Đến trụ sở UBND xã Nghĩa Khánh, ông Phạm Văn Đức- PCT xã đã mời Chủ nhiệm HTX và cán bộ khuyến nông đến văn phòng bàn về vụ thóc giống không nảy mầm. Ông Đức cho hay: Vụ này cả xã gieo cấy 336 ha lúa nước, hết 5,1 tấn lúa giống nằm rải rác ở 5 loại nhưng chúng tôi vẫn tập trung vào 2 giống chủ lực là Nhị ưu 838 (đã nhận 3.800kg) và Khải phong (đã nhận trên 600 kg). Thế nhưng ngày 2/6 khi bà con ra trà mạ đầu tiên đã bị hỏng nhiều, diện tích mạ có nơi bị chết 30-40%, nơi nhẹ hơn chết 20-30%.
Trước thắc mắc của chúng tôi, rằng người dân có ngâm ủ mạ đúng kỹ thuật, ông Đức noi: Giống lúa Nhị ưu 838 dân chúng tôi đã làm 7- 8 năm nay, còn Khải phong tuy mới nhưng dân cũng đã làm 2 năm, do vậy về khâu kỹ thuật ngâm ủ mạ thì dân cứ theo cung cách truyền thống mà làm.
Sau việc mạ chết ở xã Nghĩa Khánh, Trạm BVTV huyện Nghĩa Đàn là nơi cung ứng toàn bộ số thóc giống cho xã đã về địa phương kiểm tra và hướng dẫn nông dân quy trình bắc ủ mạ. Việc làm muộn mằn này đâu có cứu được số thóc giống đã hỏng. Và trước đòi hỏi bức xúc của dân, ông Chuyên- Chủ tịch HND xã đã đem trả lại Trạm BVTV huyện 400 kg lúa giống Khải phong và trên 100 kg lúa giống Nhị ưu 838 chưa ngâm ủ. Tiếp đến Ban chủ nhiệm HTXNN cũng đem trả 120 kg lúa giống Nhị ưu 838 và 160 kg lúa giống Khải phong.
Rời Nghĩa Khánh, chúng tôi mang những điều tai nghe, mắt thấy đến Trạm BVTV Nghĩa Đàn để trao đổi lại thì được Trạm trưởng Nguyễn Viết Trung trả lời: Sự vụ một số người dân Nghĩa Khánh khi gieo mạ không đạt tỷ lệ nảy mầm là có thật. Thế nhưng đổ lỗi cho lúa giống chất lượng kém là chưa có cơ sở. Bởi vụ này Trạm chúng tôi nhận 55 tấn lúa giống Nhị ưu 838 của 3 đơn vị khác nhau đâu chỉ bán cho mỗi Nghĩa Khánh. Dân Nghĩa Khánh bắc mạ, mạ không lên là do họ thực hiện không đúng quy trình kỹ thuật. Vậy khi cung ứng lúa giống cho dân tại sao các anh lại không hướng dẫn cụ thể quy trình? Ông Trung bảo: Khi xuất lúa giống chúng tôi đã gửi quy trình bắc mạ cho tất cả các Chủ nhiệm HTX rồi(!?).