Chúng tôi lên Yên Khánh vào một ngày đầu tháng 3. Dọc theo con đường số 10 từ xã Khánh Hòa, đến Khánh Thành, nông dân xuống đồng tấp nập như trẩy hội. Anh Nguyễn Hồng Hà ở Khánh Nhạc cho biết: từ ngày 20-1 rét đậm, rét hại kéo dài khiến gia đình anh gieo mạ đến lần thứ ba vẫn bị chết.
Hồi cuối tháng 2 vừa qua, thực hiện chủ trương của phòng kinh tế huyện phổ biến kỹ thuật gieo mạ có che phủ ni-lông, lúc bấy giờ mạ mới không chết song phát triển chậm. Ðầu tháng 3, thời tiết ấm dần lên, mạ tốt lại đúng ngày tuổi, nông dân phấn khởi ra đồng cấy lúa. "Nhà tôi có 10 sào, nay đã đủ mạ cấy hết diện tích" anh nói. Hồi cuối tháng 2 cứ tưởng sẽ thiếu nhưng được tỉnh, huyện và một số doanh nghiệp trợ giúp, cho nên nông dân trong huyện, không gia đình nào thiếu mạ cấy.
"Cây lúa chiêm xuân chiếm vị trí quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của chúng tôi"- chị Phan Thị Ðàm, Trưởng phòng kinh tế huyện Yên Mô vừa đi thăm đồng, vừa nói với tôi như thế.
Toàn huyện có 7.400 ha rau màu vụ đông xuân thì diện tích cấy lúa chiêm xuân chiếm 6.300 ha. Năng suất lúa chiêm vừa cao vừa ổn định khoảng 200-250kg thóc/sào. Còn vụ mùa, mưa bão mấy trận thì nước ngập trắng đồng. Lúa ngập chìm trong nước, lấy đâu mà thu hoạch. Cho nên, nếu vụ chiêm xuân không cấy hết diện tích thì số hộ tái nghèo tăng lên là cầm chắc. Vì thế, liên tục trong những ngày cuối tháng 2, huyện có công điện chỉ đạo, thậm chí, tổ chức hội nghị bí thư, chủ tịch UBND xã, chủ nhiệm HTX để đánh giá diễn biến thời tiết, nắm chắc số mạ chết để tổ chức gieo mạ bổ sung.
Mặt khác, hướng dẫn nông dân kỹ thuật chăm sóc mạ bằng cách tưới phân pha loãng với bùn để mạ có đủ dinh dưỡng chống rét. Ðồng thời, bổ sung 50% số mạ gieo hồi trung tuần tháng 2 bị chết rét và gieo thêm 20% dự phòng đã góp phần cung cấp đủ mạ cho nông dân cấy hết diện tích. Nếu cứ đà nắng ấm thế này, chúng tôi sẽ tập trung cấy khoảng bốn, năm ngày là xong.
Ở Nho Quan, một huyện miền núi của tỉnh Ninh Bình chịu nhiều thiệt hại bởi thiên tai gây ra, vụ xuân này càng chiếm vị trí chiến lược trong vấn đề an ninh lương thực của huyện. " Mất vụ chiêm xuân này thì không còn gì để ăn. Cho nên chúng tôi cho rằng, thà vất vả trong việc thường xuyên bám đồng cùng cơ sở còn hơn khi nhìn thấy nông dân mất mùa, đói kém - Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan Mai Văn Luận nói. Hằng ngày, nông dân của huyện cấy lúa từ tinh mơ đến tối nhọ mặt người mới về. Ðồng chí Luận nhẩm tính: Nếu cứ đà này, mỗi ngày nông dân Nho Quan cấy một nghìn ha và chỉ bốn, năm ngày nữa, Nho Quan cấy xong gần 7.000 ha theo kế hoạch.
Những ngày rét đậm, rét hại khiến cán bộ và nông dân của huyện cùng chung một mối lo. Nước đã đủ, cày ải đã xong chỉ còn chờ nắng ấm lên là cấy. Vậy mà vẫn cứ rét. Trâu bò còn chết vì rét. Thò tay xuống nước lạnh cóng như nước đá, thử hỏi cây mạ non nớt thế, sống sao nổi. Rét vẫn kéo dài trong khi lịch thời vụ trôi dần. Mỗi năm, tổng sản lượng lương thực có hạt của huyện đạt khoảng 74 nghìn tấn thì riêng vụ chiêm xuân đã chiếm chừng 35-37 nghìn tấn.
Ðịa hình của huyện dốc và trũng. Nếu không cấy nhanh lúa chiêm xuân thì đến ngày 20-5 tới, lũ tiểu mãn về là mất trắng. Cho nên, dù bất cứ khó khăn nào, Ðảng bộ và nhân dân Nho Quan cùng nhau tháo gỡ để bảo đảm cấy đủ diện tích, đúng thời vụ theo kế hoạch đề ra. Các xã Thanh Lạc, Ðức Long, Gia Tường, Xích Thổ, Gia Thủy, v.v. nông dân đi cấy kín đồng. Nhiều dòng lúa lai năng suất cao được đưa về trồng như 838, nhị ưu 63, TH 3-3, khang dân, Q5, v.v khiến nông dân phấn khởi.
Rời Nho Quan, chúng tôi dừng chân tại huyện Gia Viễn, nơi đây nông dân đang tập trung cấy lúa ở những bãi ven sông Hoàng Long tránh lũ tiểu mãn. Nơi giáp sông, huyện chỉ đạo cấy trước để tránh lũ tiểu mãn ở trung tuần tháng 5 tới.
Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn Trương Cộng Hòa cho biết, mọi năm, đến thời điểm này nông dân ở huyện đã có thể bón đợt 1 và lúa xanh rì rồi. Năm nay thời tiết khắc nghiệt, chỉ còn mấy ngày nữa là hết thời vụ, nên huyện thành lập 21 tổ công tác tỏa xuống xã để cùng nông dân tháo gỡ khó khăn kịp thời cấy hết diện tích như kế hoạch đề ra. Ngay mồng 5 Tết, huyện tổ chức họp cán bộ cơ sở để lên kế hoạch ngâm, gieo mạ bổ sung diện tích bị chết vì rét. Nếu thời tiết nắng ấm thì khả năng vụ xuân này có thể được mùa bởi mấy yếu tố:
Một là, mạ cấy đúng tuổi, không có mạ già.
Hai là, ruộng đã cày ải xong trước Tết Nguyên đán và ngấu.
Ba là, tập trung bón lót nặng đầu (bón lót nhiều), đồng thời sẽ tổ chức bón thúc sớm hơn mọi năm để cây lúa sinh trưởng nhanh.
Ðiều đáng quan tâm của các cấp chính quyền hiện nay là vấn đề diệt chuột. Chuột đồng ở Gia Viễn khá nhiều nếu không tổ chức diệt sớm thì năng suất lúa sẽ giảm bởi chuột phá hại. Chính vì thế, các đoàn thể đang tổ chức tiêu diệt chuột vào thời điểm vừa cấy xong bởi nếu không khi cây lúa phát triển mới diệt chuột thì ảnh hưởng tới cây trồng và chuột có nơi ẩn nấp thì hiệu quả không cao, huyện Gia Viễn đã cấp ba triệu đồng/xã và ngân sách xã trích ba triệu đồng hỗ trợ đoàn thể tiêu diệt chuột.
Những ngày này thật sự là ngày hội xuống đồng của nông dân Ninh Bình.
"Chúng tôi đã hoãn một số cuộc họp để xuống cơ sở chỉ đạo sản xuất. Mỗi đồng chí trong ban chấp hành đảng bộ phải thường xuyên báo cáo với thường trực về tiến độ sản xuất hằng ngày ở địa bàn được phân công. Tất cả nguồn lực được tập trung cao độ để phấn đấu giành vụ chiêm xuân thắng lợi"- Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Thắng nói.
Tỉnh đã có chính sách hỗ trợ nông dân bị thiệt hại do mạ chết vì rét. Ðồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp cung ứng vật tư cho nông dân, nhất là giống lúa sao cho bảo đảm chất lượng giống mới mong năng suất cao. Với quyết tâm cao độ, đến ngày 10-3, Ninh Bình cơ bản cấy xong lúa chiêm xuân và chuẩn bị nguồn vật tư phân bón cho bón thúc vào thời gian tới.