00:00 Số lượt truy cập: 2670076

Nông dân Yên Lộc đã tìm được hướng làm ăn 

Được đăng : 03/11/2016


Vợ chồng con cái đều khoẻ mạnh, có ruộng, vườn, nhưng gia đình anh Trần Văn Mạnh- chị Trần Thị Dung (chi hội 11) vẫn thuộc diện nghèo. Vợ chồng anh sinh được 4 đứa con, đứa lớn đang học Trường Cao đẳng Kỹ nghệ T.Ư II, 2 đứa sau học cấp 3, đứa út đang học lớp 8. Để lo đủ cơm ăn, áo mặc, tiền học hành cho mấy đứa con, vợ chồng anh xoay như đèn cù cả ngày. Mùa vụ hai vợ chồng tất bật cày cấy, gặt hái, nông nhàn thì dệt chiếu, đan chõ. Làm ngày làm đêm mà lời lãi chẳng đáng bao nhiêu.

Giá trị ngày công tăng gấp đôi

Tháng 4-2006, được Hội hỗ trợ, anh Mạnh mua một cái máy xe sợi cói mới tinh giá hơn 2 triệu đồng. Anh bộc bạch: "Cái máy xe cói đã giải quyết nhiều khó khăn cho gia đình tôi. Từ khi có máy, không chỉ đủ cói cho gia đình tôi dệt chiếu, đan chõ mà còn dư để bán lại cho các hộ khác. Trước đây thời gian nhàn rỗi nhiều, nhưng chỉ có 1 khung dệt chiếu, vợ chồng thay nhau làm, nay tôi đứng máy xe sợi, vợ tôi ngồi khung dệt, các con đi học một buổi, một buổi tranh thủ đan chõ. Bình quân ngày công đứng máy của tôi từ 20.000-25.000 đồng. Cái máy xe sợi cói đã san sẻ với vợ chồng tôi một nửa gánh nặng ăn học cho mấy đứa con".

Cũng thuộc diện hộ nghèo nhất của chi hội 11, vợ chồng anh Nguyễn Tiến Đồng được dự án hỗ trợ mua 1 máy xe sợi cói. Từ khi có máy, thu nhập của gia đình anh cải thiện rõ rệt, trung bình 45.000 đồng/ngày, tăng 20.000 đồng so với trước. Anh tâm sự: "Trước đây, ngày tôi đi làm thuê, tối cùng vợ tranh thủ đan chõ, chẻ sợi, cuộc sống lúc nào cũng thiếu trước hụt sau. Từ ngày có máy xe cói, tôi có thể làm tại nhà và chủ động được nguyên liệu". Ông Nguyễn Sĩ Quế - Chủ tịch Hội ND xã Yên Lộc cho biết: Những hộ được dự án đầu tư máy xe sợi, máy xe đay, máy chẻ cói đều không phải đi mua nguyên liệu qua tay. Đến nay trên 100 lao động chính có việc làm thông qua dự án này, theo đó giá trị ngày công cũng tăng lên gấp đôi so với trước kia".

Đòn bẩy cho hộ nghèo vươn lên

Làm chiếu cói là nghề truyền thống của xã Yên Lộc. Những năm gần đây, thị trường xuất khẩu mặt hàng mỹ nghệ từ cây cói mở ra. Một lần nữa, nghề truyền thống ở đây lại sống dậy, nhưng với hộ nghèo thì vẫn chỉ là làm theo kiểu "cò con". Ông Mai Văn Lứ - Chủ tịch UBND xã Yên Lộc, Trưởng Ban quản lý dự án cho biết: Nghe phổ biến về dự án "Hỗ trợ ND phát triển nghề chiếu cói" do T.Ư Hội đầu tư, bà con trong xã rất phấn khởi. UBND và Hội ND đã hướng dẫn 13 chi hội ND tổ chức họp công khai bình xét 30 hộ nghèo tham gia dự án. T.Ư Hội đầu tư 100 triệu đồng, địa phương hỗ trợ thêm 50 triệu đồng để mua 15 máy xe sợi cói, 10 máy xe sợi đay, 28 máy chẻ cói và 60 bộ khung chõ và kim đan...Từ khi triển khai dự án không khí trong xã sôi động hẳn lên, nguyên liệu nhập về nhiều hơn, hàng thành phẩm xuất đi tăng rõ rệt. Điều quan trọng hơn là các hộ nghèo đã tìm được hướng làm ăn, có động lực vươn lên...".

Hội ND tỉnh còn tổ chức cho 30 hộ tham gia dự án đi tham quan, học tập ở doanh nghiệp sản xuất chiếu cói Thành Hoá (Yên Khánh).  Các thợ giỏi nghề của doanh nghiệp đã chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn những hộ này làm nhiều mẫu hàng mới phù hợp với nhu cầu của thị trường Nhật Bản, châu Âu, Mỹ...

Bà Bùi Mai Hoa- Chủ tịch Hội ND tỉnh Ninh Bình cho biết: Dự án "Phát triển nghề chiếu cói" do T.Ư Hội hỗ trợ không chỉ giúp ND nghèo vùng công giáo xã Yên Lộc phát triển, mở rộng nghề truyền thống mà còn góp phần thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh uỷ Ninh Bình về đẩy mạnh việc trồng, chế biến cói...".