“Cánh đồng hoang”
Chúng tôi có mặt tại thôn Chánh An, nơi có diện tích lúa bị thiệt hại nặng nhất. Bày ra trước mắt chúng tôi là cánh đồng 57ha xác xơ những bụi lúa lụi tàn, cháy khô, trên thân “đeo” gié lúa lưa thưa, hạt đen sẫm. “Thủ phạm” gây ra thảm trạng này là bệnh đạo ôn cổ bông. Theo bà con, dịch bệnh đã “hành hạ” cánh đồng Chánh An khi lúa chỉ mới 30 ngày tuổi. Bà Nguyễn Thị Cúc vừa khóc vừa nói: “Tôi làm ruộng đã 30 năm nay nhưng chưa bao giờ gặp tình trạng lúa bị thiệt hại nặng như thế này. Sau khi vãi phân đợt 2 (lúa được 20 ngày tuổi), tôi thấy lúa cứ lụi dần, 3 ngày sau thì chết hàng loạt, làm trống hoác cả đám ruộng. Tôi phải xin lúa non về dặm nhưng cũng không ăn thua. Mọi năm cấy các giống lúa khác, mỗi sào ruộng (1 sào Trung Bộ = 500m2) tôi thu được ít nhất 250 kg/vụ. Năm nay, chúng tôi chuyển từ làm 3 vụ sang 2 vụ lúa/năm và nhận giống lúa BC 15 của Hợp tác xã Nông nghiệp 2 Cát Hanh về cấy thì bị thế này”.
Anh Đặng Văn Chiến (45 tuổi) cho biết: “Với 4 sào ruộng, tôi nhận 24kg giống BC15 từ HTX và cam kết sau khi thu hoạch sẽ trả lại cho HTX 2kg lúa giống cấp 1/kg giống nguyên chủng. Khi mới nhận giống về, tôi đã ngờ ngợ vì thấy hạt đen sẫm. Lên hỏi cán bộ HTX thì được trả lời: giống đen là do ngâm thuốc. Vậy mà chỉ mới 1 tháng sau khi sạ, lúa đã bị nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông. Đến bây giờ thì gần như mất trắng”. Đây cũng là tình trạng chung của gần 20ha lúa của 2 thôn lân cận, Vĩnh Long và Tân Hoá Bắc. Theo quan sát của chúng tôi, lác đác còn một vài đám ruộng có mức hư hại ít, nhưng năng suất chỉ đạt 50 kg/sào. Theo tính toán, số tiền thiệt hại gần 300 hộ dân phải gánh chịu lên đến hơn 2 tỷ đồng.
Ai làm nông dân khóc?
Giống lúa BC 15 được HTX NN 2 Cát Hanh nhập từ Công ty cổ phần Giống cây trồng Thái Bình (tỉnh Thái Bình) và trực tiếp cung ứng cho bà con nông dân. Đơn vị cung cấp giống cam kết giống lúa BC15 có chất lượng cao, khả năng kháng bệnh đạo ôn, kháng rầy tốt, năng suất trung bình 60- 65 tạ/ha, nếu thâm canh tốt có thể đạt 70- 75 tạ/ha. Được biết đây là giống lúa mới, lần đầu được đưa vào sản xuất trên đồng đất này nhưng không biết căn cứ vào lý do gì mà HTXNN2 Cát Hanh nhập đến 8,4 tấn, bỏ qua công đoạn thử nghiệm, đưa ngay vào sản xuất đại trà, dẫn đến hậu quả trên. Bao đựng giống lúa dởm
Ông Nguyễn Xuân Thanh, Trưởng thôn Chánh An cho biết: “Sau nhiều cuộc họp để đi đến quyết định chuyển đổi sản xuất từ 3 vụ sang 2 vụ/năm, bà con vẫn chưa có giống phù hợp. Khi HTX đưa giống BC15 ra giới thiệu với “lời dẫn”: Đây là giống được lai tạo từ giống 13-2 nên bà con rất yên tâm vì giống 13-2 cho năng suất ổn định. Khi nhận giống về, trong 10 bao giống mới có 1 bao đóng tem hiệu, thật ra chỉ là mảnh giấy nhỏ ghi nơi đóng gói (Nhà máy Chế biến hạt giống Vũ Chính), ngày sản xuất và hạn sử dụng. Mở bao ra thì thấy hạt đen thui. Phòng Nông nghiệp huyện đã liên hệ với 3-4 công ty thuốc BVTV nhưng vẫn không cứu được lúa”.
BC 15.
Sau khi xảy ra sự cố, nông dân chờ mỏi mắt vẫn không thấy cán bộ kỹ thuật của đơn vị sản xuất giống đến hướng dẫn khắc phục. Ông Nguyễn Quang Hiến, Chủ nhiệm HTX NN 2 Cát Hanh cho rằng: “Trách nhiệm này hoàn toàn là do đơn vị cung ứng giống”. Bản thân ông cũng như HTX không chịu trách nhiệm về số lúa giống kém chất lượng này. Trong khi đó, người có trách nhiệm của Phòng Kinh tế huyện Phù Cát cho rằng, vấn đề này chỉ là do khách quan, không ai muốn điều đó xảy ra. Và thật bi hài, mới đây, đại diện công ty cung ứng giống đến làm việc và hứa sẽ thu mua toàn bộ sản lượng lúa của bà con. Ông Thanh bức xúc: “Cánh đồng này còn sót hạt lúa nào thì chúng cũng bị bệnh hết rồi. Bây giờ công ty thu lại “làm giống” thì tôi e sau này sẽ còn nhiều địa phương khác lâm vào cảnh trắng tay như chúng tôi”.