Từ những thành tựu cơ bản
Ngày 15-2-2007, UBND tỉnh phê duyệt và ban hành đề án phát triển NNCNC tỉnh Bình Dương giai đoạn 2007-2010. Trong giai đoạn 2007-2008, ngân sách đã đầu tư 10,5 tỷ đồng thực hiện 8 đề tài nghiên cứu ứng dụng, 12 dự án và 915 điểm mô hình trình diễn các tiến bộ kỹ thuật tại các vùng chuyên canh NN. Trong năm 2008, Bình Dương cũng đã chấp thuận địa điểm quy hoạch 3 Khu NNCNC, gồm: Khu NN ứng dụng kỹ thuật cao xã An Thái (242 ha), Khu NN ứng dụng kỹ thuật cao xã Phước Sang (500 ha) tại huyện Phú Giáo và Khu NNCNC tại xã Hiếu Liêm, Tân Định huyện Tân Uyên (75 ha). Đến nay, qua hơn 2 năm tổ chức triển khai thực hiện, các nội dung của đề án đã góp phần tác động tích cực đến sự phát triển sản xuất NN của tỉnh. Mặc dù diện tích đất NN giảm 3.282,8 ha trong giai đoạn 2007-2008 do quá trình phát triển công nghiệp và đô thị; tỷ trọng NN ngày càng giảm trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, nhưng giá trị tuyệt đối của ngành nông - lâm nghiệp, thủy sản hàng năm vẫn tăng bình quân 5,6%.
Trong lĩnh vực trồng trọt, tỷ trọng giống mới và trình độ sản xuất từng bước được nâng lên. Nhiều tiến bộ kỹ thuật công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới được áp dụng vào công tác chọn và nhân giống cây trồng, giúp nâng cao năng suất. Chất lượng nông sản cũng đã được cải thiện rõ rệt. Các giống kỹ thuật có năng suất cao đã được áp dụng phổ biến trên các loại cây trồng chủ lực của tỉnh, như: 93% diện tích cao su; 65% diện tích cây bưởi; 70% diện tích sầu riêng; 100% diện tích rau... được trồng bằng giống mới. Một số tiến bộ kỹ thuật mới trong canh tác đã được nông dân áp dụng rộng rãi vào sản xuất như trồng cây trong nhà lưới; trồng rau có phủ bạt, phòng trừ dịch hại tổng hợp; sử dụng hệ thống tưới phun, tưới thấm cho cây ăn trái... góp phần giảm chi phí công lao động, đáp ứng nhu cầu nước và dinh dưỡng của cây trồng cho từng giai đoạn sinh trưởng. Nhờ đó đến cuối năm 2008, toàn tỉnh có 130,7 ha cây ăn quả, rau màu được sản xuất theo các quy trình công nghệ cao.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, nhờ thu hút mạnh đầu tư trong và ngoài nước vào phát triển chăn nuôi theo hướng công nghệ đã giúp năng suất và chất lượng giống gia súc, gia cầm được nâng lên đáng kể với trên 86% tổng đàn heo là heo lai 2 - 3 máu ngoại, tỷ lệ nạc cao; đàn bò nền đã được sind hóa trên 90% giúp nâng cao tầm vóc, tỷ lệ đàn bò Zebu hóa của Bình Dương đạt cao nhất cả nước; chất lượng đàn bò sữa được cải thiện và thích nghi với điều kiện sinh thái của tỉnh, với cơ cấu bò lai F1 chiếm 16,36%, F2 chiếm 69,33%, F3 chiếm 12,74%. Riêng đàn gia cầm 90% được nuôi bằng giống mới. Công nghệ chăn nuôi được phát triển mạnh theo hướng tự động hóa với hệ thống máng ăn, máng uống tự động, hệ thống làm mát chuồng trại; hầm biogas để xử lý chất thải. Một số công ty chăn nuôi lớn đã đầu tư quy trình chăn nuôi khép kín với công nghệ cao, giống mới, như: Công ty TNHH Kim Long, Công ty TNHH Đài Việt, Công ty TNHH Gia Long... Đến cuối năm 2008, tổng đàn heo được nuôi theo quy trình công nghệ cao đạt 242.204 con (tăng 21% so với mục tiêu đề án đến năm 2010); đàn gia cầm đạt 524.000 con (đạt gần 3 lần mục tiêu đề án).
Tầm cao mới của ngành NN
Việc xây dựng ngành NN phát triển an toàn, phát triển bền vững và thân thiện với môi trường là một yêu cầu cần thiết đối với một tỉnh có tốc độ công nghiệp hóa nhanh. Qua đó cũng khẳng định một tầm cao mới của NN Bình Dương trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, chăn nuôi. Tiến trình xây dựng một ngành NNCNC trong thời gian qua đã được các cấp, các ngành và nhân dân trong toàn tỉnh thực hiện liên tục và bước đầu đã đạt được những kết quả khá khả quan.
Ông Lê Văn Rum, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: “Sản xuất NN ứng dụng công nghệ cao là một lĩnh vực còn mới mẻ, đòi hỏi phải có các nguồn lực; đặc biệt là vốn, khoa học công nghệ, cán bộ chuyên môn (về lĩnh vực giống, công nghệ mới, công nghệ sinh học...) và lực lượng công nhân kỹ thuật có tay nghề để hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ cho nông dân, doanh nghiệp. Từ đó mới có thể xây dựng nên ngành NNCNC phát triển bền vững”.
Tại cuộc họp sơ kết 2 năm thực hiện đề án NNCNC vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Sơn đề nghị cần phải linh hoạt trong việc thực hiện đề án NNCNC trong thời gian tới; cần tiếp tục lựa chọn những mô hình NN có ứng dụng công nghệ cao trong nông dân để đầu tư và giúp đỡ nông dân mở rộng sản xuất theo quy định để sau này có thể triển khai đại trà. UBND tỉnh cũng đề nghị tiếp tục nắm tình hình và chuẩn bị chọn thêm một vài mô hình mới gắn với luật mới, chủ trương mới, bên cạnh đó là rà soát lại, chọn lại những mô hình phù hợp, tham khảo thêm kinh nghiệm của các địa phương đã thành công trong lĩnh vực NNCNC, cố gắng thực hiện những mục tiêu mà đề án NNCNC đã đề ra trong thời gian qua.