00:00 Số lượt truy cập: 3231323

Nuôi cua biển - nghề mới ở Quảng Trị 

Được đăng : 03/11/2016
Nhiều vụ tôm nuôi ở quảng Trị trong nhiều năm liên tiếp bị dịch bệnh nhất là bệnh đốm trắng làm người chăn nuôi thuỷ sản điêu đứng, thua lỗ, hụt hẫng; nhiều người vì thế bị phá sản. Trước tình hình đó, Trung tâm khuyến ngư Quảng Trị đã cử cán bộ về địa phương bám hồ nghiên cứu, tìm hiểu để rồi năm 2005 mạnh dạn triển khai 2 điểm trình diễn nuôi cua biển tại xã Triệu Phước (một điểm thả nuôi chính vụ, một điểm thả nuôi vụ 2).

Sau một chu kỳ sinh trưởng và phát triển cả 2 điểm trình diễn này đều đạt kết quả cao với năng suất gần 2 tấn/ha. Từ mô hình này tạo cho ngành thuỷ sản Quảng Trị một hướng đi mới trong nuôi trồng thuỷ sản, đó là nuôi cua thay tôm. Để phát triển nuôi cua trên diện rộng, Trung tâm khuyến ngư Quảng Trị đã nghiên cứu và nuôi thực nghiệm có kết quả cua sinh sản tạo con giống tại chỗ; hỗ trợ 40% tiền con giống, 20% tiền thức ăn và 100% kiến thức và công tác kỹ thuật cho những hộ nuôi ban đầu.

Ông Hồ Văn Cả, thôn Gia Độ, xã Triệu Độ (Triệu Phong) là một chủ hồ nuôi theo mô hình nuôi cua bột lên cua thịt vui vẻ phấn khởi cho chúng tôi biết: Buổi đầu ông thả 10 ngàn con trên diện tích hồ 0,5 ha, tỷ lệ sống đạt 70% (dự kiến ban đầu 50%), tuy mật độ dày nhưng cua phát triển nhanh, chỉ sau 92 ngày cua mẫu đạt gần 0,3 kg/con, sản lượng ước đạt gần 3 tấn/ha, nếu bán theo giá thị trường hiện nay thì sau khi trừ chi phí vẫn cho thu lãi gần 100 triệu đồng/vụ/hồ (mỗi vụ 3 tháng), chưa kể phần thu tôm xen khoảng trên 15 triệu đồng.

Chủ hồ Hồ Văn Cả với mẫu cua 92 ngày tuổi

Một năm nuôi 2 vụ sẽ cho gia đình một khoản thu lớn vì thế ông quyết định sẽ thả nuôi 4 hồ với diện tích 2 ha cho vụ tới và ông mong chính quyền địa phương sớm có biện pháp phục hồi đưa vào nuôi thả cua trên diện tích 18 ha, tức 36 hồ còn bỏ hoang. Còn mô hình nuôi cua giống lên cua thịt thời gian chỉ 2 tháng/vụ, một năm có thể nuôi 3 vụ hoặc nuôi xen ghép thì cho thu nhập cao hơn.

Sỡ dĩ nuôi cua hiện nay hấp dẫn thu hút các hộ chăn nuôi thuỷ sản Quảng Trị là vì tuy giá con giống còn cao (gấp 2-3 lần tôm) nhưng bù lại so với nuôi tôm thì nuôi cua có nhiều ưu điểm. Cua có tốc độ phát triển nhanh, thời gian nuôi ngắn, chỉ 3 tháng đã cho thu hoạch; nguồn thức ăn dễ kiếm, có thể khai thác tận dụng nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương như gan (lợn, bò), trứng (gà, vịt), cá nhỏ (dùng cho tháng đầu); chi phí đầu tư ít, thấp hơn nuôi tôm khoảng 30% nhưng lãi cao; ít dịch bệnh, khả năng rủi ro thấp; mức độ ô nhiễm nguồn nước và môi trường thấp; tiêu thụ dễ, thuận lợi; chăm sóc đơn giản, lao động ít.

Để nuôi cua phát triển trên diện rộng, theo chúng tôi thì nên chăng ngành thuỷ sản cần có kế hoạch tổ chức ươm thêm con giống tại chỗ với số lượng lớn để chủ động đáp ứng nhu cầu về con giống cho người chăn nuôi khi bước vào thời vụ; tìm hướng hạ thấp giá con giống; có thể kết hợp nuôi cua+ tôm hoặc các mô hình khác để tăng thu nhập; các địa phương cần có kế hoạch kéo lưới điện ra đồng để thay máy chạy dầu Diezen bằng chạy điện trong quá trình bơm nước vào hồ... Được như vậy chi phí đầu tư nuôi cua thương phẩm sẽ còn thấp hơn, tăng thu, lãi cao, khích lệ người chăn nuôi thuỷ sản.