Ông Thái Khắc Công (Chủ tịch Hội làm vườn xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Đàn) quả quyết: Muốn phát triển kinh tế hộ gia đình ở nông thôn, trước tiên hãy nuôi giun quế (trong nhóm của giun đất), đó là mô hình đơn giản, vốn ít, hiệu ích kinh tế cao mà nông dân ai cũng làm được.
Huyện Nghĩa Đàn (tỉnh Nghệ An) là đơn vị đang có nhiều phong trào làm kinh tế giỏi. Trong đó Hội làm vườn của huyện đã có công lớn trong việc nhân rộng các mô hình. Hội đang có nhiều mô hình như nuôi lươn, nuôi ếch, ba ba, gà vịt…và giun đất. Đây là những mô hình rất thiết thực.
Ông Thái Khắc Công (năm nay đã 70 tuổi, là Chủ tịch Hội làm vườn của xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Đàn) đã quả quyết: Muốn phát triển kinh tế hộ gia đình ở nông thôn thì điều trước tiên tôi khuyên mọi người hãy nuôi giun quế (trong nhóm của giun đất). Theo ông, đã là dân nông thôn thì ai cũng nuôi trâu, nuôi bò, phân của chúng là nguồn thức ăn cho giun quế.
Về kỹ thuật nuôi giun quế, ông Công cho biết sách báo nói nhiều cách, nhưng theo ông biện pháp giản đơn nhất là xây bể. Bể xây đơn giản, có thể dùng gạch vỡ hoặc tự đóng táp lô có chiều dài và rộng tuỳ theo điều kiện của từng nhà, còn chiều cao thì phải xây từ 50-70 cm, dưới đáy chỉ cần láng một lớp vữa 1 cm. Trước khi thả giun giống ta rải ở đáy bể một lớp phân hoai mục 70% và 30% đất màu trộn đều có độ dày 5-7 cm. Phía trên bể phải che chắn thường xuyên, vì giun thích nghi với môi trường bóng tối, có độ ẩm từ 75-80%, nhiệt độ từ 20- 28 độ. Để có được độ ẩm và nhiệt độ thích hợp, mỗi ngày ta nên tưới phun nước 2 lần vào bể nuôi.
Chỉ cần lấy một lớp sinh khối nhỏ, ông Công đã thu được rất nhiều giun.
Thả giun giống tốt nhất là thả sinh khối. Khi đi mua giống ta lấy lớp phân có độ sâu cách bề mặt của bể 15- 20 cm. Vì lớp phân này chứa 10- 20% giun, còn lại là 80-90% kén giun và phân giun. Khi mua sinh khối giun này về ta thả nguyên chúng vào đáy bể nuôi giun của mình. Đến 2 ngày sau ta mới cung cấp nguồn thức ăn cho chúng, bằng cách lấy phân trâu, phân bò tươi rải lên bề mặt của bể nuôi, với độ dày từ 8-10 cm/một lần cho ăn. Tuy nhiên lớp thức ăn này không phủ kín hết bề mặt bể nuôi, mà cần phải tạo độ thông thoáng cho giun hô hấp. Quan sát bề mặt bể nuôi khi thấy lớp phân đã tơi xốp thì ta tiếp tục cung cấp thức ăn mới cho chúng.
Cách khai thác giun để làm thức ăn cho gia cầm và thuỷ sản ở gia đình ông Công cũng rất đơn giản. Mỗi ngày ông lấy lớp sinh khối của giun cho vào một cái chậu nhôm to (lớp sinh khối có độ sâu cách bề mặt của bể 15-20 cm), chờ một lúc là tất cả giun đã chui hết xuống đáy chậu. Lấy giun xong ta lại thả lớp sinh khối ấy vào vị trí cũ, vì trong đó đang chứa tới gần 80% kén giun.
Nói về tính hiệu quả của giun quế, ông Công cho biết: Sau khi nuôi được giun quế, tôi đã nuôi 100 con gà, 50 con ngan và một bể nuôi lươn. Hàng ngày tôi chỉ khai thác giun một lần rồi cho các vật nuôi như gà, ngan và lươn ăn bổ sung kèm với thức ăn rau, cám, chúng tăng trọng nhanh gấp hơn 2 lần so với ăn các thức ăn khác.
Nhiều hộ dân trong vùng, kể cả nông dân ở huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hoá đã đến nhà ông Công để mua giun giống với giá 20.000đ/kg sinh khối. Hiện ông Công đang tiến hành xây thêm nhiều bể nuôi giun nữa để cung cấp giống cho nông dân.