Sau khi thực hiện thí điểm thành công ở hai xã Tiên Sơn và Tiên Mỹ, Dự án phát triển nghề chăn nuôi heo theo hướng thâm canh và bền vững, do Tổ chức Phát triển quốc tế (IDE) tài trợ, đã được Hội LHPN Tiên Phước nhân rộng trên toàn huyện. Và chỉ sau hai năm thực hiện, Tiên Phước đã có đến 79% số hộ chăn nuôi heo; nhiều người thoát nghèo, trở nên khá giả…
Theo bà Trần Thị Thu Ba - Chủ tịch Hội LHPN huyện Tiên Phước, sức hấp dẫn của dự án trước hết là ở chỗ, đã góp phần thay đổi tập quán nuôi heo truyền thống. “Thứ nhất, trước đây cho heo ăn chín, giờ thì cho ăn sống, nên không tốn nhiều công sức. Thứ hai, việc cho heo ăn không còn tùy tiện như trước, mà theo công thức hướng dẫn cụ thể. Thứ ba, là có dịch vụ thú y trọn gói với giá cả rất thấp, khoảng 30.000 đồng/ con, từ khi heo sữa đến lúc xuất chuồng. Thứ tư, thức ăn cho heo do đại lý nhận cung ứng trong suốt thời gian chăn nuôi; đồng thời có thể sử dụng thêm nguồn thức ăn có sẵn như rau, sắn, bắp... Thứ năm, đầu ra cũng được bố trí các kênh tiêu thụ” - Bà Thu Ba giải thích.
Bà Nguyễn Thị Lài, 45 tuổi, ở thôn 3, xã Tiên Mỹ cho biết: “Từ khi có dự án, tôi đã thử áp dụng phương pháp nuôi heo mới. Năm nay, gia đình tôi nuôi 3 lứa heo thịt, mỗi lứa 8 con. Chăn nuôi theo mô hình này rất đơn giản, không tốn nhiều thời gian chăm sóc. Nhờ dự án này mà gia đình tôi đã thoát khỏi cái nghèo!”.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, từ khi áp dụng mô hình này, số lượng hộ chăn nuôi đã tăng lên đáng kể. Hiện nay Tiên Phước có 12.800 hộ/16.260 hộ chăn nuôi heo (chiếm 79%). Trong đó chỉ còn một số ít hộ nuôi theo phương thức truyền thống. Đặc biệt, ở Tiên Châu, năm 2006 người dân xã này gần như bỏ nghề nuôi heo, nhưng từ khi triển khai dự án đến nay, số hộ nuôi heo đã tăng lên rất mạnh.
Chị Nguyễn Thị Dung, 41 tuổi, hiện là Chủ tịch Hội LHPN xã Tiên Hiệp cho biết: “Nhờ nuôi heo theo phương pháp mới, mà mỗi năm gia đình tôi có thu nhập hàng chục triệu đồng. Hiện tại, đàn heo nhà tôi có đến 24 con heo. Nuôi heo theo phương pháp mới đơn giản, ít tốn thời gian, nên dù công việc rất bận, tôi vẫn đảm trách việc nuôi heo hiệu quả”. Theo chị Dung, chị Nguyễn Thị Hiền, cấp phó của chị cũng luôn luôn có trong chuồng 30 con heo. “Chị Hiền còn trẻ mà năng nổ lắm, công tác xã hội chị làm rất tốt mà nuôi heo cũng thiệt giỏi. Chị Hiền còn là đại lý phân phối thức ăn chăn nuôi. Mình làm để có thu nhập và cũng để chị em làm theo. Nhờ đó mà phong trào nuôi heo để thoát nghèo được chị em hội viên tham gia tích cực”- chị Dung bôc bạch.
Ông Phạm Văn Kỳ - cán bộ quản lý dự án khẳng định: “Mục đích của chúng tôi là giúp người nghèo tham gia tốt hơn vào các thị trường nông nghiệp đang phát triển, để thoát nghèo, nâng cao thu nhập gia đình. Cạnh đó, việc áp dụng kỹ thuật mới vào chăn nuôi heo sẽ giúp cho người dân, nhất là phụ nữ giải phóng được sức lao động, có thời gian chăm sóc bản thân, gia đình. Chúng tôi đi về rất nhiều cơ sở và đã tận mắt chứng kiến nhiều chị em nuôi heo không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên giàu có. Đó là tín hiệu vui mừng đối với những người làm công tác quản lý dự án như tôi”.
Tại buổi hội thảo về phương pháp tiếp cận thị trường trong các chương trình giảm nghèo nông thôn, được tổ chức tại Tiên Phước mới đây, nhiều chị em đã bày tỏ sự phấn khởi khi dự án phát triển chăn nuôi heo bền vững được triển khai rất có hiệu quả tại địa phương. Tuy nhiên, nhiều người vẫn băn khoăn vì tiềm lực kinh tế gia đình hạn chế, chưa thể đầu tư chăn nuôi theo quy mô lớn. Vì vậy, nhiều người kiến nghị các tổ chức tín dụng, nhất là Ngân hàng Chính sách xã hội nên ưu tiên cho vay các mô hình chăn nuôi heo quy mô lớn (gia trại hoặc trang trại) một nguồn vốn tương đối lớn, lãi suất ưu đãi. “Được như vậy, chúng tôi sẽ có cơ hội làm giàu từ nghề chăn nuôi heo”- nhiều chị khẳng định như vậy.
Báo cáo kết quả thực hiện mô hình nuôi heo theo hướng thâm canh của Hội LHPN Tiên Phước cho biết: Khi áp dụng mô hình này, thời gian 1 lứa heo thịt từ 3-4 tháng. Trong tổng số 47 hộ trình diễn, thì trọng lượng trung bình của mỗi con heo tăng 15,8kg/ tháng ; lãi bình quân hơn 330.000đồng/ con. Để đảm bảo tính bền vững của dự án, Hội LHPN huyện đã kết hợp với tổ chức IDE mở 43 lớp tập huấn, tọa đàm, hội thảo về phương thức chăn nuôi heo thịt và heo nái, với 2.518 lượt hộ được tiếp cận mô hình nuôi heo theo hướng thâm canh. Dự án cũng tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ từ chi hội đến chủ tịch, phó chủ tịch Hội LHPN ở tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn về việc triển khai dự án này.