Ngày càng nhiều nhà máy chế biếnVụ sản xuất năm 2010, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) thả nuôi hơn 550 nghìn ha tôm sú. Các tỉnh có diện tích nuôi tập trung lớn nhất là Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu và Sóc Trăng. Tuy nhiên, ngay từ đầu năm, do triều cường lên cao, xâm nhập mặn, sau đó nắng hạn kéo dài, dịch bệnh phát sinh chưa thể ngăn chặn được; hệ thống cấp, thoát nước thải chưa đáp ứng nhu cầu, dẫn tới diện tích và năng suất sau thu hoạch giảm, thiếu hụt nguồn nguyên liệu trầm trọng. Tại hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu, hiện tượng tôm chết do dịch bệnh, khô hạn lên đến hàng chục nghìn ha và cũng chỉ cung cấp được 40-50% lượng tôm nguyên liệu cho chế biến. Ðến thời điểm này, toàn tỉnh Cà Mau đã thả nuôi gần 265 nghìn ha tôm sú, trong đó, diện tích tôm công nghiệp và quảng canh cải tiến chỉ hơn ba nghìn ha, diện tích nuôi theo mô hình tôm-lúa gần 40 nghìn ha, còn lại là nuôi quảng canh. Từ đầu năm đến nay, Cà Mau thu hoạch khoảng 70 nghìn tấn tôm, tăng 14% so với vụ nuôi cùng kỳ năm 2009. Còn tại Bạc Liêu, đến đầu tháng 8, toàn tỉnh thả nuôi gần 120 nghìn ha tôm sú, trong đó nuôi tôm công nghiệp hơn 10 nghìn ha tập trung ở huyện Ðông Hải và thị xã Bạc Liêu; bước đầu thu hoạch hơn 20 nghìn ha. Theo phản ánh của nhiều hộ dân, vụ tôm này năng suất đạt khá và giá tôm sú đang ở mức cao. Tuy nhiên, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, khi ao đầm tôm nuôi có hiện tượng lạ là bà con thu hoạch ngay, cho dù bị người mua ép giá...

Đầm nuôi tôm ở Cà Mau
Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp các tỉnh ÐBSCL, dù vùng nuôi có diện tích lớn, nhưng việc thiếu hụt nguồn nguyên liệu tôm phục vụ ổn định cho công nghiệp chế biến xảy ra thường xuyên. Nguyên nhân là do các vùng nuôi tôm có quy mô nhỏ lẻ, manh mún, diện tích nuôi quảng canh chiếm phần lớn, thu hoạch không tập trung cho nên rất khó có thể đạt sản lượng cao. Hiện nay, năng suất tôm nuôi của toàn vùng chỉ đạt gần 600 kg/ha. Cà Mau mỗi năm cung cấp 100 - 110 nghìn tấn tôm nguyên liệu, đáp ứng khoảng 50% công suất của các nhà máy chế biến. Ðể giải bài toán thiếu tôm nguyên liệu triền miên chỉ còn cách tăng năng suất, tăng diện tích nuôi tôm công nghiệp. Vì vậy, tỉnh đã đề ra mục tiêu đến năm 2015, toàn tỉnh tăng thêm 12-15 nghìn ha nuôi tôm công nghiệp để khắc phục tình trạng thiếu tôm nguyên liệu. Song, nông dân ở các tỉnh ÐBSCL chưa mặn mà với mô hình nuôi tôm công nghiệp do chi phí đầu tư cao, từ 120 đến 150 triệu đồng/ha ao, đầm nuôi, trong khi đòi hỏi khâu lựa chọn con giống, nguồn nước, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh... phải bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật và rủi ro cũng rất lớn.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ÐBSCL hiện có gần 200 nhà máy chế biến thủy sản, chủ yếu là cá tra và tôm, với tổng công suất chế biến 1,2 triệu tấn/năm. Các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng là những địa phương có gần 50 nhà máy chế biến tôm. Tuy nhiên, do phát triển quá nhanh trong khi nguồn nguyên liệu có hạn, các nhà máy chế biến lâm vào cảnh thiếu nguyên liệu triền miên. Thời gian qua, công suất chế biến thực tế của các nhà máy trong toàn vùng chỉ đạt bình quân gần 60% tổng công suất thiết kế. Từ đầu năm đến nay, hàng chục nhà máy chỉ huy động từ 30 đến 40% công suất thiết kế, dẫn đến hàng nghìn công nhân bị cắt giảm việc làm. Năm 2010, nguồn nguyên liệu tôm, cá tra tại ÐBSCL cung ứng cho các nhà máy chế biến dự kiến tối đa là 800 nghìn tấn, đáp ứng hơn 60% công suất thiết kế của các nhà máy. Theo Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Thiện Hải thì tình hình thiếu tôm nguyên liệu sẽ còn kéo dài trong thời gian tới. Trong khi đó, người nuôi tôm ở ÐBSCL cũng đang đối mặt với nhiều rủi ro từ dịch bệnh trên con tôm... Tình trạng khan hiếm tôm nguyên liệu ngày càng căng thẳng dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán...
Tăng sản lượng tôm nguyên liệu bằng liên kết hộ nuôiTheo đại diện lãnh đạo ngành nông nghiệp các tỉnh ÐBSCL, việc xây dựng ồ ạt các nhà máy chế biến thủy sản trong khi không có các giải pháp để tăng sản lượng tôm nuôi đang là vấn đề bức xúc đối với ngành chế biến tôm trong toàn khu vực. Ðến nay, người sản xuất và doanh nghiệp chưa có sự liên kết, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, bởi do quan hệ cung-cầu chưa thể gặp nhau. Nguyên nhân vẫn là các vùng nuôi tôm thuộc dạng nhỏ lẻ, manh mún, diện tích nuôi quảng canh lớn gây nhiều trở ngại để phát triển bền vững nghề nuôi tôm ở các tỉnh ÐBSCL. Cụ thể, thời vụ nuôi chưa được kiểm soát chặt chẽ; hệ thống thủy lợi dẫn, tiêu thoát nước yếu kém, dịch bệnh vẫn phát sinh tràn lan. Vùng nguyên liệu rất bấp bênh, mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người nuôi lỏng lẻo, làm cho giá cả lên xuống thất thường. Ðể giải quyết vấn đề này cần có giải pháp về trước mắt cũng như lâu dài. Theo đó, cần quy hoạch lại vùng nuôi tập trung quy mô lớn theo mô hình nuôi tôm công nghiệp. Có thể vận động, tập hợp người nuôi vào tổ hợp tác, hợp tác xã để có điều kiện áp dụng rộng rãi tiến bộ khoa học-kỹ thuật, đầu tư về thủy lợi, giống, chăm sóc, thu hoạch... Hướng ra là vậy, nhưng do thiếu vốn và nhiều nguyên nhân khác cho nên mọi chuyện cứ dẫm chân tại chỗ. Thực tế hiện nay, do chưa xây dựng được vùng nguyên liệu tập trung cho nên nhiều doanh nghiệp đã liên kết với 10-15 hộ nuôi có năng lực để hình thành vùng nuôi. Doanh nghiệp hỗ trợ vốn, kỹ thuật và thu mua lại sản phẩm theo giá thị trường. Mô hình này bước đầu đã đem lại hiệu quả tích cực tại các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau, cần được nhân rộng để giải quyết tình trạng thiếu tôm nguyên liệu hiện nay. Ông Hai Tới, tổ trưởng tổ hợp tác nuôi tôm công nghiệp ở ấp Nhị Nguyệt, xã Trần Phán, huyện Ðầm Dơi, Cà Mau, cho biết: Tổ hợp tác thành lập năm 2006, ban đầu chỉ có 15 thành viên tham gia sản xuất với diện tích hơn 11 ha. Do trình độ, khả năng tiếp cận khoa học - kỹ thuật còn hạn chế nên lợi nhuận trong thời điểm này đạt không cao. Tuy nhiên, từ năm 2007 đến nay, nhờ được sự ủng hộ của ba nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhất là các nhà doanh nghiệp việc đầu tư vốn, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho nên hiệu quả đạt rất cao. Vụ sản xuất năm 2009, có 61 thành viên, nuôi trên tổng diện tích hơn 83 ha, thu hoạch đạt hơn 460 tấn tôm nguyên liệu, doanh thu hơn 28,6 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 7,3 tỷ đồng. Do "ăn nên làm ra", tổ hợp tác ngày càng thu hút thêm nhiều hộ cùng tham gia sản xuất. Hiện tổ hợp tác nuôi tôm có 72 thành viên, diện tích nuôi lên đến gần 100 ha. Trong bảy tháng đầu năm đã thu hoạch được hơn 600 tấn tôm; dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ thu hoạch thêm từ 400-450 tấn tôm.
Chủ tịch HÐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú Lê Văn Quang cho biết: Trước tình hình thiếu trầm trọng nguồn tôm nguyên liệu, nhiều nhà máy chế biến thủy sản buộc phải nhập thêm nguyên liệu; tăng cường chế biến hàng giá trị gia tăng hoặc chuyển hướng sang một số loài thủy sản khác để duy trì sản xuất. Tuy nhiên về lâu dài, giải pháp căn cơ nhất là doanh nghiệp liên kết chặt chẽ với người nuôi hoặc tự đầu tư phát triển vùng nuôi nguyên liệu cho doanh nghiệp mình. Bước đầu, Tập đoàn Minh Phú đã thuê 250 ha tại tỉnh Kiên Giang, nuôi tôm thẻ chân trắng đạt năng suất 16 tấn/ha và nuôi hai vụ/năm. Hiện doanh nghiệp tiếp tục thuê thêm 2.170 ha tại các địa phương Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và Bà Rịa - Vũng Tàu để mở rộng vùng nuôi, tự phục vụ nguồn nguyên liệu cho doanh nghiệp mình. Về kỹ thuật nuôi theo công nghệ sinh học, tuần hoàn khép kín trong xử lý nguồn nước và có thể nuôi được từ ba đến bốn vụ/năm và nguồn giống cũng do doanh nghiệp tự sản xuất, cung cấp. Ðến nay, doanh nghiệp này đã tự cung cấp được 40% nguồn nguyên liệu và phấn đấu đến năm 2011 tự túc khoảng 70% nguyên liệu cho chế biến và giảm dần việc nhập nguyên liệu. Do làm chủ và kiểm soát được quá trình nuôi khép kín từ con giống, chăm sóc... cho nên nguồn nguyên liệu tự nuôi luôn bảo đảm độ an toàn về vệ sinh, có giá thành tiêu thụ cao hơn từ 9 đến 10%.
Xuất khẩu tôm là mặt hàng rất triển vọng của ngành thủy sản Việt Nam. Mặt hàng tôm nước ta đã có mặt ở 82 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó tôm sú chiếm gần 80% giá trị xuất khẩu. Giải bài toán thiếu hụt nguồn nguyên liệu là đòi hỏi bắt buộc để vùng ÐBSCL phát triển công nghiệp chế biến thủy sản và bảo đảm đời sống cho hàng chục nghìn hộ nuôi tôm.