00:00 Số lượt truy cập: 3234279

Phá cây ăn trái để trồng lúa 

Được đăng : 03/11/2016
Từ đầu năm đến nay, nhiều hộ dân ở ĐBSCL đã triệt hạ những vườn cây ăn trái chuyển đất sang trồng lúa.

Chỉ trong vòng vài tháng, hàng trăm hecta cam sành, dừa và một số loại cây ăn trái khác đã bị triệt hạ bởi theo người dân, giá lúa đang cao, trồng lúa sẽ có lợi hơn. Điều này đang cảnh báo về phong trào chạy đua theo giá từng khiến không ít người dân lao đao...

Vườn cây giờ đã nên đồng

Đi dọc đường 905 qua địa phận xã Mỹ Thạnh Trung (huyện Tam Bình, Vĩnh Long), chúng tôi nhận thấy nhiều vườn cam bị chặt gốc trơ trọi. Dọc đường, nhiều nơi người dân dùng cây cam làm giàn cho các loại bầu bí, dưa leo hoặc phơi làm củi! Vừa chặt mấy gốc cam, chị Nguyễn Thị Lan (ấp Mỹ Phú 4) vừa than: "Mới thu hoạch được có một vụ thì vườn cam liên tục bị vàng lá, trị hoài không hết. Để đó cũng không thu hoạch được gì nên vợ chồng tui chặt hết rồi tính xuống đất làm lúa. Năm nay giá lúa thế này thì làm cũng có lời, còn hơn bỏ không đất cho cỏ mọc". 

Ông Nguyễn Văn Dễ (ấp Phạm Văn Mến, xã Trà Côn, huyện Trà Ôn, Vĩnh Long) cho hay mới đầu chỉ có vài người làm, nay có đến hàng chục người ban vườn cam xuống đất ruộng. Năm ba năm trước có phong trào phá ruộng lên liếp trồng cam, nay thì ngược lại, phá vườn cam trồng lại lúa! Ông Trần Văn Hoàng - phó chủ tịch UBND xã Trà Côn - cho biết: "Toàn xã có hơn 400ha đất trồng cam sành, nhưng chỉ ba tháng đầu năm, người dân đã ban đi 37ha. Với tiến độ này, đến giữa năm có thể có đến 50ha cam bị đốn bỏ”.

Tại Kiên Giang, ở hai xã Tây Yên và Tây Yên A (huyện An Biên) cũng đang rộ lên phong trào phá vườn dừa để trồng lúa. Ông Trần Văn Khịa, ngụ ấp Rẫy Mới, vừa ban xong 1,7ha đất vườn dừa để trồng lúa cho biết: "Tôi có 2,2ha dừa với gần 300 gốc đã trên 40 năm tuổi. Những năm trước, nếu giá dừa từ 15.000-20.000 đồng/chục (12 trái) thì so với giá lúa lợi nhuận không chênh lệch bao nhiêu. Nhưng, hai năm gần đây, một công dừa chỉ cho lợi nhuận trên 300.000 đồng/năm, trong khi giá lúa cứ liên tục tăng và hiện tại trồng lúa lợi nhuận đạt trên 2 triệu đồng/công/năm. Vì vậy, tôi quyết định phá dừa để trồng lúa".

Vòng tròn luẩn quẩn?

Cách đây năm năm, ông Hà Tấn Lực (xã Tường Lộc, huyện Tam Bình, Vĩnh Long) theo phong trào thuê người lên liếp năm công đất ruộng (5.000 đồng/m2) để trồng 1.000 gốc cam. Hai vụ đầu ông thu hoạch tương đối, tuy nhiên vẫn chưa lấy lại số vốn đầu tư. Giờ đây ông đã chặt hết 1.000 gốc cam để xuống đất làm lúa, nhưng không có tiền nên năm công đất vẫn còn phơi nắng!

Việc nhà nông chạy theo phong trào rơi vào cái vòng luẩn quẩn được những người có trách nhiệm nhìn nhận thế nào?

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hoàng Nghệ - trưởng Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn Trà Ôn - cho biết toàn huyện còn 2.200 ha cam sành, giảm khoảng 800 ha so với năm 2006-2007 do nông dân chuyển đổi sang trồng lúa. Tại Tam Bình, ông Nguyễn Văn Nẫm - chủ tịch Hội Nông dân Tam Bình - cho biết tuy chưa có con số thống kê cụ thể nhưng ước tính đến đầu tháng 4-2008 đã có khoảng 100ha đất trồng cam chuyển sang làm lúa. Theo ông Nẫm, việc chuyển đổi đất vườn sang đất ruộng của nông dân Trà Ôn và Tam Bình là hoàn toàn tự phát.

TS Nguyễn Minh Châu - viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam - chia sẻ: có thể những vườn cam bị phá là do bị bệnh, hiệu quả không cao. Tuy nhiên việc chuyển đổi cây trồng đang diễn ra ở Tam Bình, Trà Ôn như vậy là việc làm tự phát và hậu quả là người nông dân gánh chịu. Có những cái không chỉ khuyến cáo mà phải vừa bắt buộc, vừa tạo điều kiện. Chính quyền địa phương cần có những đề án, định hướng cụ thể, nếu không người dân cứ tự phát hoài, thất cây này thì trồng cây khác hoặc làm theo phong trào khiến hiệu quả kinh tế không cao trong khi chúng ta lại không có được vùng chuyên canh.