00:00 Số lượt truy cập: 3235548

Phát hiện bọ xít muỗi đỏ hại điều 

Được đăng : 03/11/2016

Tại Ðồng Nai những năm trước, người trồng điều thấy cây điều có hiện tượng lá non bị biến dạng, phiến lá, cành non, trái non teo khô chết rụng, cho rằng cây điều bị bệnh thán thư và do đó thực hiện những biện pháp phòng trừ, dẫn đến năng suất bình quân cây điều và chất lượng hạt điều trong toàn vùng giảm sút, nhiều năm chỉ đạt từ 0,3 đến 0,4 tấn/ha.


Thán thư là bệnh do nấm gây ra, phổ biến ở những vùng trồng điều, phát tán trong không khí, trong tán cây và phát triển mạnh khi gặp sương mù, sương muối, vườn điều có độ ẩm cao, nhiệt độ thấp.

Thực tế quan sát các vườn điều tại huyện Trảng Bom, chị Hoàng Thị Thọ, trưởng phòng kinh tế nhận xét nhiều lúc nhiều nơi không có sương mù sương muối, mà chỉ có những cơn mưa nghịch mùa vào đầu vụ khi cây điều rụng lá để ra chồi non, lá non, ra hoa và hạt non, thì cây điều cũng có hiện tượng cháy lá non. Chị khẳng định cây điều bị hại không phải do nấm thán thư mà do một loại côn trùng nào đó phát triển liên quan đến diễn biến thời tiết. Trên cơ sở nhận định đó, chị đã kiến nghị UBND tỉnh Ðồng Nai chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh nghiên cứu xác định cụ thể loài sâu gây hại. Qua theo dõi, ngành chức năng đã phát hiện loài bọ xít muỗi đỏ sinh trưởng và phát triển mạnh sau những cơn mưa trái vụ, vườn điều có độ ẩm cao. Tên khoa học của bọ xít muỗi đỏ là helopeltissp, dài từ 8 đến 10 mm tùy con đực hoặc cái, vòng đời từ 25 đến 35 ngày, con cái có khả năng đẻ tới 80 trứng, cả giai đoạn ấu trùng và trưởng thành đều gây hại. Chúng gây hại bằng cách con trưởng thành dùng vòi chích, ấu trùng cắn vào các chồi non, lá non, chùm bông, hạt non để hút nhựa làm khô ngọn cây và tạo vết bệnh mở đường cho nấm thán thư xâm nhập.

Trên cơ sở nghiên cứu chu kỳ sinh trưởng của bọ xít muỗi đỏ và cơ chế gây hại cây điều, các ngành chức năng của tỉnh Ðồng Nai đã đề ra nhiều biện pháp kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ bọ xít muỗi đỏ hại điều. Những biện pháp đó đã được đúc kết bổ sung thành quy trình hoàn chỉnh và đã phổ biến rộng rãi, được nhiều người trồng điều áp dụng. Có thể nói năng suất bình quân cây điều của tỉnh được nâng lên 1,6 tấn/ha hiện nay cao gấp 4 hoặc 5 lần trước kia, trong đó có không ít hộ đạt từ 3 đến 3,5 tấn/ha, có sự đóng góp lớn của chị Hoàng Thị Thọ, người có công phát hiện bọ xít muỗi đỏ hại cây điều.