00:00 Số lượt truy cập: 3227694

Phát huy thế mạnh sản phẩm nông nghiệp đặc thù 

Được đăng : 03/11/2016
Sản phẩm đặc thù của Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung đã được xác định để ưu tiên đầu tư phát triển kể từ năm 2007 trở đi là hoa, dâu tây, rau, cà phê, trà, cá nước lạnh và rượu vang.




Ông Phạm Văn Án – GĐ Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lâm Đồng phát biểu: "Lâu nay, thế mạnh của Lâm Đồng và Đà Lạt trên lĩnh vực nông nghiệp thì ai cũng biết, nhưng hầu như chúng ta chưa xác định đúng vai trò của những sản phẩm đặc thù ấy trong nền kinh tế nên việc ưu tiên đầu tư để phát huy lợi thế của sản phẩm dường như chưa được "định dạng" một cách cụ thể. Và, trong một vài năm gần đây, nhờ xác định đúng sản phẩm đặc thù nên việc ưu tiên đầu tư để phát huy thế mạnh của những sản phẩm đó đã mang lại hiệu quả kinh tế cao". Tuy còn nhiều khó khăn nhưng với Lâm Đồng, một tỉnh miền núi nằm ở cực nam Tây Nguyên, hiệu quả kinh tế được "đo đếm" bằng những con số cụ thể như "cánh đồng 50 triệu đồng", hoặc như mô hình "vườn cây kinh tế"… đã không còn xa lạ. Thậm chí, hiện cả nước còn không ít tỉnh phải chật vật phấn đấu vươn lên "cánh đồng 50 triệu" nhưng vẫn chưa đạt thì ở tỉnh miền núi Lâm Đồng, "hình ảnh" này xem ra không mấy xa lạ.


Để chứng minh điều này, lãnh đạo Sở NN-PTNT Lâm Đồng đưa ra một văn bản nêu những con số thống kê: Ngay từ cuối năm 2005, cả tỉnh đã có trên 8.000 ha đất canh tác đạt doanh thu trên 50 triệu đồng/ ha/năm; trong đó có không ít hộ nông dân đạt từ 150 – 180 triệu đồng/ha, và cũng có một số hộ và một số doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trồng hoa đạt đến con số kỷ lục: 2 – 3 tỷ đồng mỗi năm trên diện tích 1ha. Đó là số liệu của năm 2005. Đến năm 2006 sự tiến triển từ bước tạo đà của năm trước quả là ngoạn mục khi cơ quan hữu trách nêu ra một vài số liệu: Tại phường 9 Đà Lạt, mô hình trồng rau 5 vụ/năm đã cho doanh thu 300 triệu đồng/ha, trồng dâu tây trên 400 triệu đồng; tại một số địa phương khác của Đà Lạt, Đức Trọng…, nhiều hộ dân trồng hoa cúc và hoa layơn đạt từ 500 – 600 triệu đồng/ha; còn tại Đơn Dương thì xuất hiện mô hình trồng ớt ngọt mỗi hecta cho doanh thu trên dưới 1 tỷ đồng/năm.


Những con số này bỏ quá xa so với "cánh đồng 50 triệu" đang làm chuẩn để phấn đấu trong cả nước về sản xuất nông nghiệp. Tương tự, đối với cây chè và cây cà phê theo xu thế phát triển mới ở nhiều địa phương trong tỉnh cũng đã lập nên kỳ tích: Thu nhập không dưới 250 triệu đồng/ha/năm (cao nhất nước), cá biệt có những vườn chè và cà phê được sản xuất bằng giống chất lượng cao đạt doanh thu ở mức trên dưới 500 triệu đồng. Riêng với cây chè còn hơn thế, về đối tượng trồng chè, không những các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mới làm ăn có hiệu quả mà ngay với cả một số hộ cá thể là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu cũng đã đặt được chân vào lĩnh vực công nghệ cao để có thu nhập từ 200 – 300 triệu đồng mỗi năm trên mỗi hecta từ vườn chè của mình. Xin nêu ra đây một ví dụ cụ thể ở xã vùng sâu Lộc Tân của huyện Bảo Lâm: Trong vài năm gần đây, việc lập trang trại trồng chè ô long của 13 nhà đầu tư (trong đó có 7 nhà đầu tư nước ngoài) đã "kích thích" hàng chục hộ dân tộc thiểu số địa phương chuyển đổi vườn chè gia đình mình sang trồng các giống chè chất lượng cao để có thu nhập không thua kém so với vườn chè chất lượng cao của các nhà đầu tư bên ngoài (trên 200 triệu đồng mỗi năm). "Đầu tư có trọng tâm và trọng điểm" là cụm từ nghe có vẻ sáo mòn nhưng trong thực tế luôn đúng khi đề cập đến vấn đề chiến lược phát triển nông nghiệp. Trên tinh thần này, Sở NN-PTNT Lâm Đồng cho biết: Để thu hút đầu tư và để phát huy thế mạnh trong phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc thù đã được xác định (rau, hoa, dâu tây, trà…), tỉnh đã tiến hành quy hoạch các vùng chuyên canh cùng với việc ưu tiên vốn đầu tư xây dựng các mô hình và nâng cao năng lực sản xuất giống cây. Cụ thể, tại huyện Lạc Dương, tỉnh đã quy hoạch quỹ đất tập trung gần 700ha để thu hút các nhà đầu tư phát triển trồng rau, hoa theo công nghệ cao kết hợp với phát triển du lịch. Tương tự, vùng sản xuất rau, hoa và dâu tây công nghệ cao cũng đã được tỉnh quy hoạch với tổng diện tích lên đến 1.760ha theo hình thức tỉnh hỗ trợ giống chất lượng cao và xây dựng mô hình sản xuất trong nhà kính (nhà lưới) cho nông dân.


Còn với cây chè, vùng chè chất lượng cao cũng đã được quy hoạch có tổng diện tích 4.200ha tại Bảo Lâm, Di Linh, Bảo Lộc và Đà Lạt với định hướng đưa ra là "tạo vùng sản xuất chè an toàn; năng suất và chất lượng cao; và công nghiệp hóa một số khâu như thuỷ lợi, thu hái…". Rồi nữa, không chỉ có quy hoạch để ưu tiên đầu tư và thu hút đầu tư, cũng trên tinh thần phát huy triệt để thế mạnh của sản phẩm nông nghiệp đặc thù, Lâm Đồng trong vài năm gần đây đã có không ít động thái tích cực trong việc bỏ vốn ra để đầu tư trực tiếp cho các mô hình. Ví dụ, trong hai năm gần đây, tỉnh đã đầu tư gần 2 tỷ đồng để xây dựng các mô hình trồng rau, hoa và dâu tây tại Đà Lạt, Đức Trọng, Đơn Dương… Cũng trong hai năm qua, hai dự án về nâng cao năng lực sản xuất giống cây cũng đã được tỉnh trích kinh phí 7 tỷ đồng để đầu tư cho Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp Lâm Đồng và Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật cây công nghiệp và cây ăn quả Lâm Đồng.