Thời điểm năm 1975, Kiên Giang có hơn 193.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có 185.000 ha đất sản xuất lúa, tập quán canh tác một vụ lúa mùa, quảng canh nên năng suất thấp, cho sản lượng 416.500 tấn, trong khi đó đất hoang hóa còn nhiều, hơn 90% số dân sống bằng nghề nông, thu nhập thấp.
Cho đến những năm 90 của thế kỷ trước, nạn đói, nhất là đói ăn lúc giáp hạt thường xảy ra ở vùng bán đảo Cà Mau và tứ giác Long Xuyên, Nhà nước thường phải cứu đói, cứu tế để ổn định đời sống người dân.
Thời kỳ 1975-1980, thành công nổi bật, có ý nghĩa quyết định đối với sản xuất nông nghiệp của tỉnh Kiên Giang là xác định rõ khả năng tăng vụ và chuyển đổi cơ cấu mùa vụ sản xuất, đã đưa diện tích lúa hai vụ từ 13.300 ha lên 36.000 ha và đưa vụ đông xuân vào cơ cấu mùa vụ sản xuất chính của tỉnh, bằng việc sử dụng các giống lúa ngắn ngày, kháng rầy, năng suất cao đã tạo tiền đề cho sự phát triển những năm tiếp theo.
Từ năm 1981 đến 1986, việc đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ (hè thu) và chuyển vụ (đông xuân) được quan tâm mở rộng, chương trình sản xuất lúa cao sản đã làm thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất của người nông dân, từ quảng canh sang thâm canh.
Từ năm 1987 về sau, trên cơ sở đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi để khai hoang, phục hóa, tỉnh Kiên Giang tập trung đầu tư cho công tác giống để thâm canh, tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ sản xuất.
Từ năm 1987 đến năm 2000, hơn 70.000 ha đất hoang được đưa vào sản xuất lúa hai vụ, nâng diện tích gieo trồng lúa từ 250.178 ha lên 521.253 ha, chuyển vụ sản xuất lúa mùa sang lúa đông xuân từ 40 nghìn ha lên hơn 200 nghìn ha, năm 1999 sản lượng lương thực của tỉnh vượt qua mốc hai triệu tấn.
Thành công bắt đầu từ việc Ðảng bộ và chính quyền tỉnh Kiên Giang xác định thủy lợi là biện pháp kỹ thuật chính yếu và quyết định để thâm canh, tăng vụ, tăng sản lượng, là mũi đột phá nhằm cải tạo vùng đất hoang hóa bán đảo Cà Mau và tứ giác Long Xuyên.
Ngoài việc chủ động đầu tư làm mới các công trình thủy lợi, kênh tạo nguồn từ phong trào "Nhà nước và nhân dân cùng làm", có thể thấy sự nhạy bén của chính quyền tỉnh Kiên Giang ở việc tranh thủ các công trình thủy lợi trọng điểm của Trung ương đầu tư trên địa bàn như chương trình ngọt hóa bán đảo Cà Mau và hệ thống các công trình thoát lũ ra Biển Tây, với các cống ngăn mặn, giữ ngọt, tạo thuận lợi cho việc khai hoang, mở rộng diện tích đất trồng lúa.
Kênh đào tới đâu, đất trồng lúa mở theo tới đó. Diện tích được tưới tiêu tăng từ 40.685 ha (năm 1987) lên 232.000 ha (năm 2000), chuyển vụ lúa mùa sang lúa đông xuân, đưa vụ đông xuân trở thành vụ sản xuất chính với quy mô tăng từ khoảng 40 nghìn ha lên hơn 210 nghìn ha sau 15 năm đổi mới.
Từ năm 1998, UBND tỉnh Kiên Giang vận dụng cơ chế chính sách khuyến khích khai thác và sử dụng đất hoang hóa ở huyện Hòn Ðất và Kiên Lương đã thu hút nhiều tổ chức và cá nhân nhận đất, thuê đất và đầu tư hàng chục tỷ đồng để cải tạo đất hoang đưa vào sản xuất nông nghiệp.
Năm 2007, diện tích gieo trồng lúa của tỉnh Kiên Giang là 582.889 ha, năng suất bình quân 5,11 tấn/ha và đạt sản lượng 2.977.388 tấn. Ðến thời điểm hiện nay, nông dân toàn tỉnh Kiên Giang đã thu hoạch xong vụ mùa và vụ đông xuân, đạt sản lượng hơn 2 triệu tấn lúa, phấn đấu vụ hè thu đạt sản lượng 1.170.000 tấn lúa.
Ðiều đáng chú ý, trong 5 năm gần đây, năng suất lúa từ 4,48 tấn/ha (năm 2002) tăng lên 5,11 tấn/ha (năm 2007). Mặc dù diện tích gieo trồng lúa của năm 2007 thấp hơn năm 2006 hơn 10.000 ha, nhưng sản lượng vẫn cao hơn 233.000 tấn là do tăng năng suất lúa.
Do đặc điểm về điều kiện địa lý tự nhiên đã hình thành bốn vùng sinh thái lớn tại Kiên Giang, đặc trưng cho các kiểu vùng sinh thái nông nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước, bao gồm vùng phù sa ngọt tây sông Hậu, vùng phèn ngập lũ tứ giác Long Xuyên, vùng mặn bán đảo Cà Mau và vùng đồi núi, các đảo Phú Quốc, Kiên Hải.
Sự đa dạng về sinh thái nông nghiệp là điều kiện để phát triển nền nông nghiệp toàn diện, trong đó sản xuất lương thực, trọng tâm là sản xuất lúa giữ vai trò chủ lực.
Từ đây cho thấy tiềm năng sản xuất lúa ở Kiên Giang còn rất lớn, đó là hàng chục nghìn ha đất hoang, tập trung ở vùng tứ giác Long Xuyên, hiện đang được tập trung đầu tư về hệ thống thủy lợi và cùng với việc phát huy các công trình thoát lũ ra biển Tây, kết hợp dẫn ngọt, ngăn mặn, là điều kiện thuận lợi để khai thác đưa vào sản xuất hai vụ đông xuân - hè thu, chưa kể gần 100.000 ha đất phù sa ngọt vùng tây sông Hậu có điều kiện thủy lợi khá hoàn chỉnh.
Ngoài việc khai hoang mở rộng đất trồng lúa và tăng vụ thì Kiên Giang còn có khả năng nâng cao sản lượng lương thực từ tăng năng suất lúa, bởi năng suất từng vụ và năng suất bình quân chung hiện nay còn thấp, hoàn toàn có khả năng tăng năng suất lúa lên cao hơn khi điều kiện, môi trường sản xuất tiếp tục được cải thiện.
Do đó, việc tập trung khai hoang, đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, chuyển vụ sản xuất; đổi giống mới, tạo khâu đột phá về năng suất, chất lượng cao tạo sức cạnh tranh trên thị trường cho phát triển cây lúa Kiên Giang.