Vượt qua khô hạn làm vụ đông Chưa có năm nào khô hạn lại diễn biến phức tạp như năm nay, đó là nhận xét chung của bà con nông dân các xã, HTX nông nghiệp trong tỉnh. Khó khăn đối với những vùng làm cây vụ đông còn lớn hơn nhiều, bởi nước tưới là yếu tố quan trọng hàng đầu trong sản xuất rau màu. Trong cái khó mới thấy nhiều cách làm chủ động, sáng tạo của các địa phương ở Nam Ðịnh. Chúng tôi về xã Hải Tây, huyện Hải Hậu - nơi có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất cây vụ đông để tận mắt chứng kiến việc điều tiết nước cho sản xuất thời gian này. Ông Nguyễn Minh Thức, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp hồ hởi dẫn xuống đội sản xuất số 4, số 5, số 12, đây đều là những vùng khó khăn về nước cho phát triển cây vụ đông. Hỏi bà con nông dân đang chăm sóc cà chua trên các chân ruộng hai lúa mới thấy rằng HTX ngay từ đầu vụ đông đã tính toán, chủ động các phương án để dẫn nước vào ruộng. Hiện nay, tại 16 đội sản xuất trên địa bàn xã đang có 40 máy bơm dã chiến hoạt động đêm, ngày hút nước từ sông, từ ao, hồ đổ vào hệ thống kênh, mương nội đồng để phục vụ sản xuất. Ông Thức cho hay, đến nay nguồn nước được giải quyết cơ bản, ngoài máy bơm của HTX còn huy động máy bơm các hộ dân, HTX hỗ trợ tiền dầu cho nông dân trong việc bơm, tát nước. Chính vì vậy, mặc dù là năm gặp khó khăn nhưng diện tích cây vụ đông vẫn đạt 370 mẫu, tương đương với diện tích năm trước, bà con nông dân lại thêm phần tin tưởng vào sản xuất vì giá sản phẩm bình quân trên thị trường đều cao hơn năm ngoái 20%. Theo nhẩm tính của ông chủ nhiệm HTX, vụ đông năm nay toàn xã đạt giá trị sản xuất bình quân hơn 50 triệu đồng/ha là nằm trong tầm tay. Ở HTX nông nghiệp Nghĩa Hồng, huyện Nghĩa Hưng - đơn vị chuyên canh cây vụ đông của tỉnh Nam Ðịnh cũng chủ động tối đa 10 máy bơm dã chiến cho năm vùng có truyền thống sản xuất vụ đông. Những vùng khó khăn hơn HTX chuyển sang trồng cây vụ đông dễ tính như bí ngô, bí xanh. Nguồn nước đều lấy từ sông, sau đó bơm tát vào mương dẫn vào ruộng, HTX trích kinh phí từ dịch vụ khuyến nông để hỗ trợ xăng, dầu cho xã viên. Theo ông Ðoàn Văn Hợi, chủ nhiệm HTX, khó khăn là thế nhưng bà con nông dân vẫn quyết tâm phát triển phong trào làm vụ đông bởi nơi đây đã quen với tập quán sản xuất ba vụ trong năm (hai lúa và một vụ đông), riêng vụ đông luôn cho thu nhập cao gấp hai lần trồng lúa. Ngoài những HTX chủ động được khâu nước tưới cho cây vụ đông như trên, nhiều đơn vị sản xuất trong tỉnh đã kịp thời thay đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp với một vụ đông khô hạn. Tại HTX nông nghiệp Quần Liêu, xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng có cách làm hay, đó là đẩy mạnh phát triển cây đậu tương trên đất thịt nặng lên 65 ha (năm ngoái 20 ha). Lý do thật đơn giản vì đây là cây dễ trồng, sâu bệnh nhẹ, chi phí thấp, đầu ra thuận lợi, đặc biệt là cây trồng cạn thích hợp với điều kiện thời tiết hiện nay. Trong vụ đông này, huyện Nghĩa Hưng có bốn xã mở rộng diện tích trồng đậu tương lên hơn 100 ha, tính ra trừ chi phí cho một sào sản xuất khoảng 400 nghìn đồng thì người nông dân còn thu về được từ 900 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/sào. Phát triển vụ đông theo hướng chất lượng và giá trị Ðể tăng giá trị thu nhập trên diện tích đất canh tác, tỉnh Nam Ðịnh và ngành nông nghiệp tập trung chỉ đạo phát triển vụ đông theo hướng chất lượng và giá trị, với cơ cấu chủ yếu là các cây trồng hàng hóa có giá trị và hiệu quả kinh tế cao. Diện tích các cây vụ đông hàng hóa, giá trị cao của Nam Ðịnh trong những năm gần đây đạt khoảng 6.500 ha, chiếm 35% tổng diện tích đất canh tác, được phân thành hai nhóm chính: Nhóm cây nguyên liệu chế biến, xuất khẩu (gieo trồng chủ yếu trên đất hai lúa) diện tích đạt từ 1.500 đến 1.600 ha gồm cây cà chua, dưa chuột, ngô ngọt, ngô bao tử, cải dầu. Ðây là nhóm cây trồng cho lợi nhuận cao, thường đạt hơn 10 triệu đồng/ha, đặc biệt hai loại cây cà chua và dưa chuột bao tử cho thu nhập ổn định từ 30 đến 50 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, Nam Ðịnh phát triển mạnh nhóm cây rau, quả truyền thống dùng để tiêu thụ nội địa với diện tích khoảng 5.000 ha gồm các cây chủ lực như khoai tây (diện tích từ 3.500 đến 4.000 ha), bí xanh (diện tích khoảng 1.200 đến 1.300 ha). Lợi nhuận từ sản xuất hai cây trồng chính này rất cao, bí xanh đạt từ 30 đến 40 triệu đồng/ha, khoai tây đạt từ 20 đến 30 triệu đồng/ha. Ðến nay, để phát triển những loại cây trồng hàng hóa này, Nam Ðịnh áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp như xây dựng mô hình trình diễn, quy hoạch vùng sản xuất, hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm. Theo đánh giá của ông Ðào Viết Tâm, Giám đốc Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư tỉnh, trên cơ sở hai vụ lúa ăn chắc thì tập trung phát triển cây vụ đông sẽ đem lại giá trị kinh tế cao cho chính bà con nông dân. Vì vậy, tỉnh đã tập trung trồng cà chua đông thành vùng nguyên liệu hàng hóa với diện tích hằng năm 1.000 ha cung cấp cho nhiều nhà máy, công ty lớn và hệ thống siêu thị bán lẻ trên cả nước. Theo tính toán, năng suất trung bình của cà chua đông trên đồng đất Nam Ðịnh đạt 40 tấn/ha, tổng giá trị thu nhập là 80 triệu đồng, trong khi chi phí cho một ha chỉ khoảng 22 triệu đồng. Ngoài cà chua đông thì cây bí xanh đá trong những năm gần đây thật sự lên ngôi, trở thành vấn đề "thời sự" trong sản xuất vụ đông hàng hóa, chi phí sản xuất thấp (tiền giống và vật tư từ 8 đến 10 triệu đồng/ha) trong khi tổng giá trị thu nhập luôn đạt ngưỡng 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng/ha. Hiệu quả sản xuất đã thấy rõ, nhưng thực tế diện tích vụ đông trên chân ruộng hai lúa những năm qua ở Nam Ðịnh hầu như chỉ tập trung tại các xã, HTX nông nghiệp có truyền thống thâm canh, chưa phát triển đều khắp tại các vùng, miền trong tỉnh. Lý giải điều này, ông Ðỗ Hải Ðiền, Trưởng phòng giống và cây trồng, Sở NN-PTNT tỉnh cho rằng: Mặc dù cùng nằm trong khu vực đồng bằng sông Hồng nhưng Nam Ðịnh không có lợi thế phát triển sản xuất cây vụ đông trên chân ruộng hai lúa như các tỉnh khác trong khu vực do có địa hình thấp, đất lúa chủ yếu là đất thịt nặng, chậm khô sau mỗi đợt mưa, thời vụ lúa mùa thường kết thúc muộn, bình quân ruộng đất trên đầu người thấp (550m2/người) nên lực lượng lao động chính ở nông thôn phải đi tìm kiếm việc làm nơi xa, nhất là vào những tháng cuối năm làm khan hiếm nguồn nhân lực để làm vụ đông hàng hóa. Ðể tháo gỡ khó khăn, tỉnh đề ra nhiều giải pháp thúc đẩy chương trình cây vụ đông như chuyển đổi cơ cấu giống và thời vụ, tạo quỹ đất và thời gian để mở rộng diện tích trên chân đất hai vụ lúa. Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT Nam Ðịnh đang tập trung xây dựng và áp dụng đồng bộ quy trình khép kín để phát triển cây vụ đông hàng hóa cho thu nhập cao theo hướng: xây dựng mô hình, quy hoạch vùng sản xuất, hỗ trợ giống, đặc biệt hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm. |