00:00 Số lượt truy cập: 2691813

Phát triển giống lợn đen Lũng Pù thuần chủng 

Được đăng : 03/11/2016

Theo nghiên cứu của Viện chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp&PTNT, Hà Giang là một trong những tỉnh có nhiều giống gia súc bản địa quý hiếm, thích nghi tốt với vùng núi cao khí hậu khắc nghiệt và có khả năng sản xuất ra một khối lượng thực phẩm lớn.


Nhưng do trình độ chăn nuôi của đồng bào vùng cao còn thấp, công tác tuyển giống chưa được chú trọng nuôi dưỡng và chọn lọc, nên nhiều giống gia súc hiện đang bị lai tạp, mất đi sự thuần chủng và nhiều nguồn gen quý mất đi một cách nhanh chóng.

Giống lợn đen Lũng Pù (Mèo Vạc) được thuần hóa từ lâu đời rất phù hợp với điều kiện chăn nuôi của người dân vùng cao của tỉnh. Qua điều tra cho thấy, đa số lợn giống của bà con 4 huyện vùng cao của tỉnh chăn nuôi có nguồn gốc từ giống lợn này. Tuy nhiên không nằm ngoài quy luật của sự hạn chế về kiến thức trong chăn nuôi, người dân địa phương đã để tình trạng giống lợn đen Lũng Pù, giao phối cận thân dẫn đến tình trạng lợn đen Lũng Pù bị cận huyết rất cao, dần có nguy cơ bị tuyệt chủng. Việc khôi phục giống lợn đen Lũng Pù quý hiếm bằng cách tuyển chọn và xây dựng chương trình giống thích hợp nhằm tránh sự đồng huyết và việc làm cần thiết cấp bách không chỉ đối với tỉnh mà còn cả cộng đồng. Bởi lẽ, trong số 33,39 vạn con lợn nuôi hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh, giống lợn nuôi chủ yếu là giống lợn địa phương. Vài năm gần đây lợn lai và một số lợn giống ngoại được đưa vào nuôi thử nghiêm, nhưng chủ yếu chỉ trụ lại được tại địa bàn các huyện thị vùng thấp, có điều kiện kinh tế và có điều kiện áp dụng kỹ thuật vào quá trình nuôi nhốt. Tại địa bàn các huyện vùng cao của tỉnh, điều kiện tự nhiên khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, nhiệt độ giữa ngày và đêm có sự chênh lệchlớn, bà con nuôi lợn chủ yếu bằng phương pháp thả rông, vì vậy các giống lợn ngoại, lợn lai có máu ngoại khó phát triển tại các huyện vùng cao của tỉnh.

Lợn đen Lũng Pù tầm vóc to lớn, nuôi 10 đến 12 tháng đạt trọng lượng 80 đến 90 kg; lông đen, dày và ngắn; da thô; tai nhỏ cúp; mõm dài trung bình; có hai loại hình, một loại 4 chân trắng và có đốm trắng ở trán và mõm, một loại đen tuyền; trung bình có 10 vú và bình quân đẻ 1,5 đến 1,6 lứa/năm. Theo số liệu điều tra giống lợn này chiếm tỷ lệ nhớn nhất và có chất lượng tốt nhất so với các giống lợn địa phương khác của tỉnh. Do được thuần hóa lâu đời nên thích nghi tốt với điều kiện khí hậu khắc nghiệt củacác huyện vùng cao, dễ nuôi, phàm ăn và có sức đề kháng cao, chống chịu bệnh tốt. So sánh với các giống lợn Việt Nam, lợn đen Lũng Pù có tốc độ tăng trọng khá cao, thịt lại thơm ngon đặc biệt. Thực tế từ trước nới nay, giống lợn đen Lũng Pù của tỉnh ta chưa được các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu, nên các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật chưa đầy đủ, chương trình giống chưa được xác định. Xây dựng được một quần thể giống lợn đen Lũng Pù chất lượng tốt, đánh giá được chất lượng thịt và phẩm chất thịt của giống lợn này, trên cơ sở nghiên cứu hiểu biết về đặc điểm sinh học làm tiền đề cho việc bảo tồn nguồn gen, sự dụng nguồn gen này đúng mục tiêu, khai thác nguồn gen hiệu quảtiến tới phát triển rộng nguồn giống lợn đặc chủng trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh là yêu cầu thực tế đòi hỏi. Và vấn đề này đã được dự án đánh giá và phát huy tiềm năng đa dạng sinh học động vật nuôi và động vật hoang dã tại Việt Nam, do Viện chăn nuôi Bộ NN&PTNT phối hợp của tỉnh ta đã bước đầu được triển khai thực hiện, với số vồn đầu tư cho tiểu dự án trên 680 triệu đồng.

Hy vọng rằng trong thời gian tới, người dân các huyện vùng cao của tỉnh sẽ có giống lợn đen Lũng Pù thuần chủng với đầy đủ các yếu tố nổi trội để chăn nuôi.