Nhiều năm nay, Thái Thụy (Thái Bình) tập trung đầu tư nhiều nguồn lực để đưa kinh tế biển thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng hiện nay huyện đang tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, nhất là đối với 3 lĩnh vực nuôi trồng, khai thác và vận tải biển.
Từ năm 2001 đến nay, Thái Thuỵ chuyển đổi được hơn 540 ha đưa tổng diện tích nuôi trồng hải sản toàn huyện đạt 1.490 ha, bình quân mỗi năm tăng 8,12%. Diện tích tăng nhưng phần lớn nông dân vẫn nuôi trồng theo hình thức quảng canh cải tiến, thiếu bền vững. Trong tổng số 1.490 ha thì mới có 12,8 ha nuôi công nghiệp. Ở các vùng chuyển đổi lớn, như: Thái Đô,Thụy Hải, Thụy Xuân, Thụy Trường mặc dù đã được đầu tư nguồn kinh phí lớn nâng cấp hệ thống thủy lợi, nhưng vẫn chưa hoàn chỉnh, chưa có hệ thống tiêu nước khu dân cư, nên dễ bị ô nhiễm môi trường khi có mưa lớn. Diện tích đầm nuôi phía ngoài đê đã bị bồi đắp cao, hệ thống thủy lợi xuống cấp, đê bao ngoài lại thấp, nhỏ, nên những năm qua đã có nhiều diện tích bị mất trắng do bão và nước dâng.
Hiện nay, Thái Thụy có 390 tàu khai thác hải sản với tổng công suất 27.110CV, trong đó tàu tầm trung và tàu xa bờ 160 tàu. Đây là lực lượng khai thác xếp vào loại mạnh so với các huyện ven biển của Thái Bình, Nam Định, chiếm 65% giá trị khai thác toàn tỉnh. Nhưng do ảnh hưởng của nhiều yếu tố: Bất thuận của thời tiết, giá xăng dầu tăng cao, nên nghề khai thác hải sản của Thái Thụy "lúc được - lúc không". Năm 2008, tổng sản lượng khai thác thủy sản toàn huyện đạt 21.215 tấn, bằng 90,46% so với năm 2007. Sang năm 2009, nhờ gói 'kích cầu" theo QĐ 289 của Thủ tướng Chính phủ, các tàu được hỗ trợ một phần tiền xăng dầu, thời tiết thuận, nhiều luồng cá xuất hiện, ngư dân tích cực tu sửa, nâng cấp các trang thiết bị hàng hải, cải tiến ngư lưới cụ, tranh thủ thời tiết ổn định, tăng cường bám biển, tăng ngày, tăng giờ, tăng mẻ lưới, nên vụ cá Bắc của Thái Thụy thắng lợi lớn. Tuy nhiên hoạt động khai thác trong toàn huyện vẫn mang tính tự phát, chưa có sự liên kết giữa các tàu, còn nhiều tàu nhỏ, cũ, mật độ tàu thuyền cao dẫn đến năng suất đánh bắt thấp. Sản phẩm từ nuôi trồng, khai thác đã tạo nguồn nguyên liệu dồi dào cho nghề chế biến hải sản của Thái Thụy phát triển. Từ chỗ chỉ có những cơ sở chế biến nhỏ lẻ, mặt hàng đơn thuần là nước mắm, mắm tôm, cá khô, thì nay toàn huyện đã có 7 công ty, doanh nghiệp, chế biến hải sản lớn, 90 cơ sở, tổ chế biến cho ra đời thêm hàng loạt các sản phẩm chất lượng cao phục vụ xuất khẩu như: Cá Mai tẩm gia vị, tôm cá đông lạnh, sứa muối... Thế nhưng, các doanh nghiệp có năng lực, công suất lớn tạo việc làm cho nhiều lao động như: Công ty RichBeauty Food của Đài Loan, Nhà máy chế bột bột cá Thụy Hải, công ty TNHH Biển Đông... lại luôn ở trong tình trạng thiếu nguyên liệu, mặc dù đã tận thu ở khắp các vùng biển từ Diêm Điền đến tận miền Trung và có thời điểm doanh nghiệp chỉ hoạt động từ 30 đến 40% công suất. Số lượng cơ sở nhiều, công ty, doanh nghiệp có nhưng ít, nên sản phẩm chế biến chủ yếu dừng lại ở dạng sơ chế nên giá trị lợi nhuận chưa cao. Một số cơ sở chế biến chưa chú trọng đến công tác bảo đảm ATVSTP. Nằm trong tình trạng biến động chung, các doanh nghiệp vận tải biển của Thái Thụy cũng đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn cần được tháo gỡ. Toàn huyện có khoảng 150 phương tiện, với năng lực vận tải khoảng 130 ngàn tấn, thu hút khoảng 3.000 lao động tham gia và là đội tàu mạnh so với các huyện ven biển khu vực miền Bắc, hoạt động trên các tuyến vận tải cả trong và ngoài nước. Thế nhưng, từ đầu năm 2008 đến nay do ảnh hưởng của lạm phát, khủng hoảng kinh tế thể giới: Giá dầu, chi phí vận tải, lãi suất ngân hàng, giá nhân công đều tăng, trong khi luợng hàng hoá vận chuyển giảm gần một nửa. Doanh thu của các doanh nghiệp giảm khoảng 50% so với trước, đã có doanh nghiệp phải cắm tàu tại bến do không cân đối được chi phí, cùng với đó số doanh nghiệp phá sản cũng tăng theo.
Không chỉ có nuôi trồng, khai thác, chế biến và vận tải, với Thái Thụy tiềm năng về biển còn rất lớn, như phát triển du lịch sinh thái, khai thác Cảng thương mại Diêm Điền, trồng và bảo vệ rừng ngập mặn, phát triển nghề làm muối, dịch vụ hậu cần nghề cá... nhưng hiện nay địa phương vẫn chưa khai thác hết được. Hơn thế, Thái Thụy còn có vị trí hết sức quan trọng trong lĩnh vực an ninh quốc phòng. Vì vậy, việc tập trung tháo gỡ khó khăn, huy động mọi nguồn lực, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển kinh tế biển với tốc độ cao và bền vững là nhiệm vụ huyện cần bắt tay vào thực hiện ngay, có như vậy mới nhanh thực hiện được mục đưa kinh tế biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.