Phát triển nền nông nghiệp hàng hóa hướng tới xuất khẩu
Được đăng : 03/11/2016
Thành phố Cần Thơ qui hoạch 3 khu sản xuất công nghệ cao gồm khu Trung tâm đặt tại Trung tâm giống nông nghiệp và hai khu đóng vai trò phụ trợ tại Nông trường Sông Hậu và Nông trường Cờ Đỏ.
Từ nay đến năm 2010, các khu sản xuất công nghệ cao triển khai 12 dự án khuyến nông trọng điểm bao gồm định hướng cơ cấu sản xuất, xác định giống cây trồng vật nuôi phù hợp phục vụ các chương trình thâm canh lúa chất lượng cao; xây dựng vùng trồng chuyên canh cây ăn trái đặc sản, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ tiên tiến trong quá trình sản xuất, tổ chức tốt khâu sản xuất và cung ứng giống gia súc gia cầm cũng như giống thủy sản nước ngọt chất lượng tốt... Thành phố Cần Thơ cũng triển khai nhanh đề án lúa - nuôi trồng thủy sản trên diện tích 11.000 ha tại các địa bàn trọng điểm thuộc các huyện Vĩnh Thạnh, Ô Môn, Thốt Nốt, Cờ Đỏ...trong đó có 400 ha tôm càng xanh còn lại nuôi phổ biến các loại cá đồng thương phẩm có giá trị kinh tế cao: rô phi dòng gifl, cá điêu hồng, cá rô đồng, cá lóc, cá sặc rằn... Thành phố Cần Thơ đã xây dựng 40 điểm trình diễn trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản nước ngọt trên chân ruộng đồng thời tích cực chuyển giao kỹ thuật sản xuất, tập huấn phương pháp cánh tác tiên tiến đồng thời hỗ trợ bà con vốn tín dụng ưu đãi bình quân 200 đến 300 tỉ đồng/ năm phục vụ mục tiêu chuyển đổi sản xuất. Thành phố Cần Thơ phấn đấu đến 2010 đạt 100% số hộ có lợi nhuận 50 triệu đồng/ ha trở lên nhờ thực hiện sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. * Quảng Nam hiện có gần 380.000ha đất rừng trồng song mây, với trữ lượng song mây khoảng 6.000 tấn/năm, có chất lượng cao, bảo đảm tiêu chuẩn sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. Hiện nay, tỉnh có 26 doanh nghiệp và cơ sở chuyên sản xuất ngành mây tre đan, hàng năm xuất khẩu đạt giá trị 3 triệu USD và giải quyết công ăn việc làm cho hơn 4 ngàn lao động. Tuy nhiên, nhiều năm qua, các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất đã cạnh tranh nhau khai thác cạn kiệt nguồn song mây, huỷ hoại tài nguyên rừng, dẫn đến sản xuất-kinh doanh mất tính ổn định và không bền vững. Được sự giúp đỡ của Vùng North Blare (Pháp), tỉnh đang triển khai dự án "Gắn môi trường vào quá trình phát triển bền vững của các doanh nghiệp vừa & nhỏ, và các hộ ở Quảng Nam". Sau gần 5 năm thực hiện dự án, việc đầu tư phát triển vùng nguyên liệu của các doanh nghiệp đã mang lại kết quả tốt, trồng được hơn 15 ha song mây, xây dựng 5 vườn ươm để cung cấp trên 10.000 giống cây keo lai, bạch đàn, mây tre, xoài ghép... để khôi phục vốn rừng và tạo vùng nguyên liệu. Tỉnh cũng đang xúc tiến triển khai dự án "Phát triển chuỗi mây tre tại tỉnh Quảng Nam" do Tổ chức Hợp tác Kỹ thuật của Đức (GTZ) tài trợ, nhằm giúp đỡ công tác quy hoạch và phát triển nguồn nguyên liệu song mây trên địa bàn tỉnh. Thông qua Hiệp hội Mây tre đan Quảng Nam, GTZ đã hỗ trợ 200 ngàn giống song mây có năng suất cao cho các doanh nghiệp để phát triển vùng nguyên liệu./.