Hiện nay, huyện Hoài Đức (Hà Nội) đang đẩy mạnh phát triển mô hình trồng rau an toàn, cây ăn quả trên vùng đất bãi. Đây là giải pháp hiệu quả cho những vùng ven sông đang bị thu hẹp đất sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống cho nông dân.
Tại xã Đắc Sở, hiện cả xã có 45ha đất trồng phật thủ, bình quân đạt từ 600 - 900 triệu đồng/ha/năm. 80% số hộ dân trên địa bàn xã Đắc Sở có thu nhập chính từ trồng phật thủ. Nhiều hộ trồng với diện tích lớn cho thu nhập tới 1 tỷ đồng/năm. Đáng mừng là vài năm trở lại đây, nhu cầu sử dụng phật thủ trên thị trường ngày càng cao. Do vậy, hàng năm người dân xã Đắc Sở vẫn tiếp tục mở rộng diện tích bằng cách thuê lại đất của các xã, huyện lân cận để trồng loại cây này.
Tại xã Tiền Yên, vùng đất bãi ven sông Đáy cũng đã được phủ xanh bởi những khu sản xuất rau an toàn. Trong đó, khu sản xuất rau an toàn của HTX Nông nghiệp Tiền Lệ với đầy đủ hệ thống nhà lưới, giếng khoan đã trở thành một trong những mô hình sản xuất điểm của huyện. Diện tích rau an toàn của HTX hiện đạt 31ha, mỗi năm cung cấp cho thị trường TP hàng ngàn tấn rau. Thu nhập từ trồng rau đạt cao gấp 3 - 4 lần so với cấy lúa hay các loại cây hoa màu khác.
Ngoài những loại cây trồng trên, những năm qua, huyện Hoài Đức còn phát triển nhiều vùng sản xuất cây ăn quả tập trung trên vùng đất bãi như: Vùng nhãn chín muộn 85ha tại các xã Đông La, An Thượng, Song Phương cho thu nhập bình quân 300 - 500 triệu đồng/ha/năm; vùng bưởi đường 32ha tại các xã Cát Quế, Đông La cho thu nhập 400 - 500 triệu đồng/ha/năm...