Ngày 18/6, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Sở Du lịch và Công ty Du lịch Suối Tiên (Thành phố Hồ Chí Minh) đã tổ chức Hội thảo "Phát triển sản xuất và xuất khẩu trái cây Nam bộ", nhằm tìm ra giải pháp nâng cao chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh của trái cây Việt Nam trên thị trường trong khu vực và thế giới.
Diện tích cây ăn quả ở các tỉnh phía Nam hiện có hơn 426.300 ha (Đông Nam bộ 137.567 ha và ĐBSCL 288.742 ha); sản lượng ước đạt gần 3 triệu 374 ngàn tấn (năm 2006). Trong đó có nhiều giống ngon nổi tiếng: xoài Cát Hòa Lộc, xoài Cát chu, bưởi da xanh, bưởi 5 roi, thanh long, dứa Queen, vú sữa Lò rèn, quýt hồng, cam sành, sầu riêng sữa hạt lép. Trong 4 tháng đầu năm 2007, kim ngạch xuất khẩu rau quả theo đường chính ngạch của nước ta đạt trên 88 triệu USD (năm 2006 đạt 263 triệu USD). Dự đoán của Tổ chức Nông lương thế giới, nhu cầu tiêu thụ rau quả trên thế giới tăng bình quân 3,6%/năm, trong khi cung vẫn chưa đủ cầu và chỉ tăng 2,8%/năm. Điều này chứng tỏ thị trường xuất khẩu rau quả còn đầy tiềm năng. Tuy Việt Nam có nhiều trái cây ngon, có tiềm năng xuất khẩu, có khả năng cạnh tranh, nhưng vẫn còn những hạn chế cần khắc phục như: sản xuất phân tán, manh mún; chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, giá thành còn cao; công nghệ sau thu hoạch còn thiếu, yếu; thiếu cải tiến phát triển giống mới; hạn chế về kiểm dịch thực vật từ các nước nhập khẩu...
Theo ông Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện cây ăn quả miền Nam, gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) là thời cơ và cũng là thách thức cho sản phẩm nông sản Việt Nam tham gia vào thị trường khu vực và thế giới. Chính vì vậy, việc nâng cao chất lượng quả, tiến tới tạo sự ổn định về chất lượng, an toàn thực phẩm theo hướng GAP là vấn đề sống còn đối với ngành rau quả. Theo ông Châu, những loại cây ăn quả có thể phát triển để xuất khẩu sang thị trường châu Âu, châu Mỹ hay những thị trường xa bao gồm những loại trái cây mà từng thị trường yêu cầu và những trái cây có thể tồn trữ lâu ngày mà không ảnh hưởng đến chất lượng như thanh long, dứa, bưởi da xanh, bưởi 5 roi, bưởi cổ cò, xoài các loại.
Về bảo quản trái cây sau thu hoạch, Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch đã hoàn thiện quy trình công nghệ bảo quản trái thanh long. Sau 8 tháng chuyển giao công nghệ, thiết bị cho Doanh nghiệp Hoàng Hậu tại Bình Thuận đã thực hiện sơ chế được hơn 1.000 tấn thanh long cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước đem lại hiệu quả thiết thực. Nhờ có hệ thống thiết bị này mà doanh nghiệp hoàn toàn chủ động trong kế hoạch sản xuất, giảm chi phí lao động, cũng như đảm bảo tính ổn định về chất lượng hàng hóa của sản phẩm mà khách hàng yêu cầu. Trái thanh long Bình Thuận đã xuất khẩu hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ (Đức, Hà Lan, Hồng Kông, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Xingapo, Canada...). Theo số liệu thống kê của Tổng Cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu thanh long cả nước theo đường chính ngạch trong quý I/2007 đạt trên 10 triệu USD; trong đó thị trường Châu Á chiếm tỷ lệ 37% và EU là 42%. Ngoài ra, Phân viện còn đang xây dựng hệ thống quản lý cây nho Ninh Thuận từ khi trồng đến lúc xử lý bảo quản phân phối theo tiêu chuẩn EUREPGAP để nâng cao chất lượng, đặc biệt chú ý đến vệ sinh thực phẩm mà các siêu thị ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh yêu cầu; nghiên cứu xử lý bảo quản rau, quả tươi chất lượng cao phục vụ nội địa và xuất khẩu; hợp tác về công nghệ xử lý sau thu hoạch và xúc tiến thị trường trái cây giữa Việt Nam và Thái Lan (Trong khuôn khổ Nghị định thư hợp tác khoa học kỹ thuật về nông nghiệp giữa Việt Nam và Thái Lan); nghiên cứu xác định chỉ số thu hoạch một số quả nhằm nâng cao chất lượng chế biến bảo quản sau thu hoạch (thuộc chương trình chế biến bảo quản nông lâm sản – Bộ NN-PTNT).