Từ năm 2002, chương trình phát triển thủy sản là 1 trong 5 chương trình kinh tế trọng điểm của huyện Cẩm Khê.
Từ đó đến nay chương trình phát triển thủy sản vẫn là hướng đi đúng, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Diện tích thủy sản toàn huyện tăng nhanh, tốc độ bình quân là 32%/năm. Sản lượng thủy sản từ 700 tấn năm 2002 tăng lên 4.072 tấn năm 2008, tăng so với năm 2002 là 3.372 tấn tạo ra giá trị thủy sản năm 2008 là 71,5 tỷ đồng chiếm 11,5% giá trị sản xuất nông lâm nghiệp. Giá trị thu nhập của 1ha nuôi chuyên thủy sản trên 70 triệu đồng, cao hơn so với cấy lúa từ 1,5 đến 3,5 lần. Đặc biệt chương trình thủy sản đã hình thành những vùng chăn nuôi thủy sản tập trung có khối lượng hàng hóa lớn.
Tại các xã vùng Láng Chương, ruột tiêu xã Ngô Xá - Sơn Tình - Tiên Lương, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp nông thôn, giải quyết việc làm hàng năm cho trên 13.000 lao động, chiêm 19% lực lượng lao động. Những kết quả đạt được là do chính sách đúng đắn của tỉnh khuyến khích phát triển thủy sản, tạo điều kiện cho huyện Cẩm Khê xác định hướng đi, đẩy mạnh đầu tư phát triển dựa trên điều kiện thuận lợi sẵn có của địa phương. Là huyện miền núi, địa hình bậc thang, có nhiều ao dộc, nhiều hồ đầm có mặt nước lớn và đồng chiêm trũng rất thuận lợi phát triển thủy sản. Tổng diện tích của huyện có khả năng phát triển thủy sản 2.500ha, trong đó có khả năng chuyên nuôi là 1.300ha nuôi cá 1 vụ (1 lúa + 1 cá), hồ đầm thủy lợi kết hợp nuôi cá 200ha, với môi trường nước không bị ô nhiễm, nhân dân có truyền thống sản xuất cá giống và cá thương phẩm. Từ đó huyện đã xây dựng đề án phát triển thủy sản, xác định phát triển thủy sản là thế mạnh, là chương trình mũi nhọn cần tập trung chỉ đạo theo hướng đầu tư thâm canh gắn chăn nuôi thủy sản với cấy lúa, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy cầm theo hướng trang trại, gia trại nhằm khai thác có hiệu quả kinh tế VAC. Khuyến khích các hộ nông dân tự dồn điền đổi thửa cho nhau thành những ô thửa lớn để hạn chế chăn nuôi thủy sản manh mún, nhỏ lẻ. Khoanh vùng, bổ ô đối với diện tích mặt nước lớn từ khai thác tự nhiên sang chăn nuôi thủy sản có đầu tư bằng các hình thức đào đắp bờ vùng, đăng phên lưới chắn, nuôi cá lồng...
Đến nay toàn huyện đã chuyển đổi 1.143ha diện tích trồng trọt kém hiệu quả sang chuyên cá, 1 lúa 1 cá và quây chắn. Cùng với quy hoạch diện tích huyện còn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kết hợp với giao thông thủy lợi gắn với phát triển thủy sản. Điển hình là dự án ruột tiêu úng 16 xã, dự án vùng rốn trũng Láng Chương... Với tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng. Riêng số vốn của nhân dân đầu tư xây dựng công trình phát triển thủy sản lên tới 70 tỷ đồng. Cùng với đó huyện còn chú trọng tới công tác đào tạo nguồn nhân lực, phối hợp với trung tâm chuyển giao KHKT, VAC VINA, Trường Cao đẳng thủy sản mở 4 lớp công nhân thủy sản, 25 lớp tập huấn chuyển giao KHKT về chăn nuôi thủy sản, cách phòng trừ dịch bệnh cho cá, tôm... cho trên 2.000 lượt người; tổ chức 12 hội nghị tham quan hội thảo về các mô hình chăn nuôi thủy sản có hiệu quả trong và ngoài huyện, thu hút hơn 700 lượt người tham gia. Hàng năm bằng nguồn lực của huyện và tranh thủ sự giúp đỡ của Bộ Khoa học và công nghệ, UBND tỉnh, Sở Khoa học và công nghệ... triển khai xây dựng các mô hình chăn nuôi thủy sản có năng suất cao, hiệu quả lớn, đưa giống mới như: Tôm càng xanh, cá rô phi đơn tính, chép lai 3 máu, cá Vược, tôm hùm nước ngọt vào nuôi trồng.
Riêng trên địa bàn huyện mỗi năm sản xuất được trên 820 triệu con cá giống các loại có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu cá giống trong và ngoài huyện. Từ năm 2002 đến năm 2008 toàn huyện đã triển khai 20 mô hình với diện tích 35ha với trên 70 hộ tham gia, năng suất cá đạt 7 tấn/1ha cho doanh thu trên 70 triệu đồng/ha. Mô hình tôm càng xanh cho năng suất trên 1,3 tấn/ha cho doanh thu 80 triệu đồng/ha. Chương trình phát triển thủy sản đã góp phần không nhỏ vào công tác xóa đói giảm nghèo của huyện giảm tỷ lệ nghèo xuống còn 24,2%.
Tuy nhiên hiện nay, trước yêu cầu đổi mới của đất nước, chương trình phát triển thủy sản của huyện Cẩm Khê vẫn còn một số hạn chế đó là cơ sở hạ tầng phục vụ cho nuôi trồng thủy sản còn thiếu, chưa đồng bộ, xuống cấp chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa. Tuy đã ứng dụng KHKT vào sản xuất nhưng chưa triệt để, chậm nhân rộng các mô hình nuôi trồng có hiệu quả.
Do đó để chương trình phát triển thủy sản thực sự là nền kinh tế mũi nhọn của huyện từ nay đến năm 2010, Cẩm Khê tiếp tục khai thác và sử dụng có hiệu quả các loại hình mặt nước chăn nuôi thủy sản trên cơ sở quy hoạch phát triển hệ thống thủy lợi gắn với nuôi trồng thủy sản bền vững. Nâng tổng diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2010 lên 2.000ha với 420 lồng thu hút lực lượng lao động từ 14 - 15 ngàn người và sản lượng cá tôm đạt 5.000 tấn.