00:00 Số lượt truy cập: 3228005

Phóng sự: Theo “bác sĩ” xuống ruộng 

Được đăng : 03/11/2016
Lần đầu tiên nhìn thấy chiếc xe lăn bánh trên đường với dòng chữ “Bác sĩ cây trồng lưu động”, người đi đường ai cũng dòm ngó, chỉ trỏ. Nhưng đến nay hình ảnh này đã trở nên quen thuộc với bà con nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long...


Chữa bệnh cho cây

“...Xuống xe đi mấy anh em ơi, lẹ lên...”. Mọi người nhanh chóng rời khỏi chiếc Toyota 15 chỗ được chứa đầy thiết bị của nhà nông. Họ sải những bước chân vội vã, thoăn thoắt bước đến những cánh đồng.

Đón đội là một tốp nông dân người Khơme. Thấy các anh tới, họ gọi í ới: “Các anh bác sĩ cây trồng”, rồi đứng vây quanh để hỏi về tình hình đồng ruộng của mình. Những câu hỏi liên tục được đưa ra: “Kỹ sư xem bẹ lúa nhà tui nó bị vàng nè, như thế có sao không?”, “Bệnh đốm nâu có gây hại gì nhiều không bác sĩ?”. Anh Nguyễn Minh Tuyên - trưởng đội “bác sĩ”, xắn ống quần, lội nhanh xuống ruộng, nhổ một bụi lúa bị bệnh và giải thích: “Cây lúa nào bị lùn, các lá bị vàng từ gốc lên ngọn mà rễ cây vẫn bình thường, không đen thì đích thị là bệnh vàng lùn. Thường xuyên ra đồng nhổ bỏ những cây bị bệnh đem tiêu hủy, nặng thì phải tiêu hủy cả ruộng để tránh lây lan...”.

Không chỉ giúp nông dân nhận biết bệnh trên cây trồng, các anh còn hướng dẫn người dân cách phun thuốc thế nào cho hiệu quả. Một kỹ thuật viên đỡ lấy bình xịt thuốc, bước xuống ruộng phun thử nghiệm cho bà con thấy tận mắt. Các thành viên còn lại đến từng ruộng lúa quan sát bệnh và kê ngay những “toa thuốc”. Khi “kê toa”, các “bác sĩ” trong đội luôn miệng nhắc nhở bà con: “Thuốc chỉ dùng khi sâu hại đã lan ra thành dịch, đấy là biện pháp cuối cùng. Lạm dụng thuốc sẽ làm chết những con thiên địch bạn của nhà nông như nhện, kiến ba khoang...”.

Công việc cứ thế diễn ra đến tận trưa, cả đội cũng thấm mệt. Mọi người định kết thúc công việc buổi sáng tại đây, nhưng có một chị nông dân chạy đến trình bày lúa nhà đang bị bệnh. Cả đội liền phóng lên xe đi tiếp.

Sáng kiến thành lập đội “bác sĩ cây trồng” của Công ty Bảo vệ thực vật Sài Gòn ra đời từ lâu. Lúc đầu chỉ dừng lại ở hình thức tư vấn trên đài phát thanh, truyền hình. Sau đó, ban giám đốc đã đưa ra mô hình “bác sĩ cây trồng lưu động” và mời tiến sĩ Joshi về phụ trách. Đội “bác sĩ cây trồng lưu động” chính thức ra mắt vào giữa tháng 8-2006. Đến nay, toàn đội có trên 20 chuyến đi đến đồng bằng sông Cửu Long, Campuchia… để hướng dẫn bà con nông dân nhận biết và phòng trừ những loại bệnh trên cây trồng.

Đồng hành với nhà nông

Trong những chuyến đi về tỉnh chữa bệnh, có nhiều tình huống xảy ra làm cả đội bất ngờ. Phạm Văn Long kể lại: “Một lần, đội đi ngang Đồng Tháp, bất ngờ có một anh nông dân chạy đến chặn đầu xe. Tưởng anh ta cố ý gây sự, ai nấy đều hoảng. Hỏi ra mới biết đồng lúa bị ngộ độc phèn và ngộ độc hữu cơ của anh từng được các “bác sĩ” chữa bệnh và bây giờ đã tốt lên. Khi thấy đoàn xe “Bác sĩ cây trồng lưu động” chạy ngang, anh chặn đầu xe để được tư vấn thêm”.

Và có những nông dân thuộc hàng thâm niên, nhưng sau khi được các “bác sĩ” tư vấn mới phát hiện mình còn khá nhiều “chỗ hổng”.

Anh Kim Xê (chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Trà Vinh) cho biết: “Các anh trong đội đi sát với tình hình bệnh của cây lúa, mía mà nông dân tỉnh nhà đang gặp phải. Khi các anh lội ruộng thì không thể phân biệt đâu là nông dân, đâu là kỹ sư vì ai cũng đen nhẻm như nhau...”. Niềm vui của các anh được nhân lên khi nhận điện thoại của những nông dân mà mình đã tư vấn: “Lúa tốt lắm anh à, chúng tôi không biết lấy gì cảm ơn các anh”.

“Làm việc theo giờ giấc của bà con nên anh em phải đi sớm về muộn. Thấy người nông dân cần chúng tôi và chăm chú nghe hướng dẫn kỹ thuật, chúng tôi rất vui” - anh Tuyên tâm sự.