00:00 Số lượt truy cập: 2690762

Phòng trừ bệnh đạo ôn 

Được đăng : 03/11/2016

Các chuyên gia BVTV đều nhận định lúa xuân ở các tỉnh phía Bắc năm nay có nguy cơ bị nhiễm bệnh đạo ôn cao hơn nhiều so với những năm trước. Sở dĩ có nhận định trên là do các cơ sở khoa học sau:


Một là mùa đông năm nay lạnh ẩm, có thể nói tình hình thời tiết theo đúng tiết: Tiểu hàn rét sớm, đại hàn rét muộn. Trước tiết lập xuân các đợt gió mùa di chuyển lệch đông sớm. Sau tiết lập xuân thời tiết ấm dần lên nhưng trời vẫn âm u, mưa phùn gió bấc độ ẩm không khí cao nhiều ngày bão hòa gây hiện tượng nồm. Mặt khác trong tháng ba thường xuyên xuất hiện sương mù, số giờ nắng ít. Hiện tượng thời tiết trên này điều kiện cần cho bệnh đạo ôn trên lúa phát sinh và phát triển.

Hai là vụ xuân năm nay cơ cấu giống lúa thuần như lúa nếp, lúa thơm BC15, Q5, QS2… nhiễm đạo ôn chiếm tỷ lệ cao, đây là điều kiện đủ.

Theo dự báo của Cục BVTV bệnh đạo ôn tiếp tục phát sinh, gây hại gia tăng cả về diện tích và mức độ trên lúa thời kỳ cuối đẻ, con gái; đặc biệt là những ruộng gieo trồng giống nhiễm, bón thừa đạm.

Thực tế trên đồng ruộng cho thấy vụ xuân năm nay diễn biến bệnh có một số điểm khác biệt và phức tạp hơn các vụ trước về quy mô, mức độ gây hại. Bệnh xuất hiện từng chòm rồi lụi đi gây cháy luôn thậm chí mất trắng, phòng trừ rất khó khăn.

Nguy cơ bệnh bùng phát lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất lúa xuân đang hiện hữu. Để chủ động phòng trừ có hiệu quả giảm thiểu thiệt hại cần áp dụng một số biện pháp sau:

- Chủ động phát hiện bệnh sớm, thường xuyên theo dõi diễn biến của bệnh, đặc biệt chú ý các giống nhiễm.

- Giữ nước thường xuyên cho ruộng lúa nhất là khi có dịch bệnh.

- Khi bệnh mới phát sinh nên cho thêm nước vào ruộng, ngừng bón phân đạm, không phun phân bón lá và thuốc kích thích sinh trưởng, sử dụng các loại thuốc đặc trị bệnh. Đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông trên lúa nên dùng: Beam 75WP, Fila, Fuji- o­ne phun khi bệnh chớm xuất hiện.