Phú Thọ: Phát triển thủy sản - Một chương trình kinh tế trọng điểm
Được đăng : 03/11/2016
Từ năm 2004, tỉnh Phú Thọ đã xác định phát triển thủy sản (TS) là một trong 6 chương trình sản xuất nông nghiệp trọng điểm và đã ban hành một số chính sách như: Hỗ trợ 50 % giá giống TS, hỗ trợ máy chế biến thức ăn… để khuyến khích nông dân tham gia phát triển sản xuất. Cùng với các chính sách này, công tác khuyến ngư, các hoạt động thông tin tuyên truyền, các giống loài TS năng suất cao đã được đưa vào nuôi và nhân rộng, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm TS; nhất là khi Trại sản xuất giống TS cấp I hoạt động đã cung cấp hàng triệu giống TS mới, giống chất lượng cao cho người chăn nuôi trong tỉnh.
Với các huyện vùng trọng điểm đều xác định TS là một trong những chương trình kinh tế trọng điểm của huyện mình nên luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao. Điều này thể hiện qua việc các chương trình, dự án đầu tư cho công tác phát triển TS tại địa phương ngày càng tăng. UBND một số huyện cũng đã ban hành cơ chế hỗ trợ giá giống TS để khuyến khích các hộ nuôi thả các loại giống có năng suất, giá trị kinh tế cao với quy mô thả theo hướng sản xuất hàng hóa. Song thực tế cho thấy, vài năm gần đây do hạn hán kéo dài, mực nước tại các ao, đầm, hồ xuống thấp nên diện tích mặt nước nuôi TS chưa xuống giống tại các huyện còn nhiều. Trong khi đó người nuôi chưa chú trọng tới đầu tư thâm canh, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hình thức nuôi quảng canh vẫn còn phổ biến, tỷ lệ thả ghép và mật độ thả chưa hợp lý với từng loại hình mặt nước. Đặc biệt đội ngũ cán bộ làm công tác phát triển TS tại các huyện còn thiếu, chủ yếu là kiêm nhiệm, hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ dẫn đến việc triển khai các dự án đạt hiệu quả chưa cao. Hiện nay, diện tích chưa đưa vào nuôi TS tại các huyện còn nhiều, chủ yếu là mặt nước lớn, trong đó Tam Nông còn 85 ha/1.120 ha; Hạ Hòa 850 ha/1.500 ha; Thanh Thủy 764 ha/1.200 ha… Các loại cá truyền thống chiếm khoảng 60 – 70% cơ cấu giống nuôi, trong khi giống TS mới chỉ chiếm khoảng 30 – 40% cơ cấu giống nuôi. Qua tìm hiểu cho thấy cá Chép lai V1 và cá Rô phi đơn tính tại các huyện chiếm tỷ lệ thấp trong cơ cấu giống nuôi là do người dân mua con giống trôi nổi chất lượng kém, tốc độ tăng trưởng chậm. Sau 3 – 4 tháng nuôi, cá đẻ rất nhiều trong ao; năng suất đạt được thấp. Đối với địa bàn tỉnh, tôm càng xanh thích hợp nhất là nuôi trên diện tích 1 lúa + 1 cá. Hình thức nuôi thâm canh không phù hợp do chi phí đầu tư lớn, rủi ro cao.
Thực tế cho thấy ở những ao, hồ có diện tích từ 0,6 ha đến 2 ha nuôi theo quy mô trang trại thủy sản với mô hình Cá – Vịt hoặc Cá – Vịt – Chuối cho năng suất rất cao 8 – 9 tấn/ha (Thanh Thủy, Cẩm Khê); 6,2 – 7,7 tấn/ha (Tam Nông). Đối với diện tích nuôi 1 lúa + 1 cá năng suất đạt: 5 – 6 tấn/ha (Thanh Thủy). Những ao, đầm, hồ có diện tích mặt nước lớn có thả cá; ao có diện tích nhỏ nuôi theo quy mô hộ gia đình cho năng suất thấp 1,5 – 2 tấn/ha. Năng suất nuôi trồng TS tại các huyện thấp là do người dân chưa chú trọng đầu tư thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất; hình thức nuôi quảng canh vẫn là chủ yếu (trừ những hộ nuôi theo mô hình trang trại đã có sự đầu tư). Diện tích mặt nước lớn nhiều, không thể tiến hành nuôi bán thâm canh và thâm canh được nên năng suất rất thấp do đó năng suất bình quân thấp. Một số hồ, đầm không thả cá chỉ khai thác tự nhiên như Đầm Dị Nậu, Thọ Văn (Tam Nông); đầm Ao Châu (Hạ Hòa) nhưng vẫn đưa vào tính năng suất nuôi theo cách tính của thống kê. Những ao nhỏ quy mô hộ gia đình thường thu hoạch theo kiểu đánh tỉa thả bù nên không xác định được năng suất cụ thể. Cơ cấu giống thả chủ yếu là các đối tượng truyền thống dài ngày, năng suất không cao. Người dân chưa mạnh dạn trong việc chuyển đổi cơ cấu giống nuôi sang các giống mới ngắn ngày cho năng suất cao như Rô phi đơn tính, Chép lai V1… Trong quá trình điều tra người dân kê khai thấp hơn so với thực tế. Việc tính năng suất nuôi trồng TS còn lúng túng, chưa thống nhất giữa phòng Nông Nghiệp và phòng thống kê nên số liệu thống kê chưa phản ánh đúng tình hình nuôi trồng TS thực tế tại các huyện.
Từ năm 2004 đến nay, các huyện đã thực hiện chủ trương chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang nuôi trồng TS. Trong 6 năm, huyện Hạ Hòa đã chuyển đổi được 400 ha; huyện Tam Nông chuyển đổi được trên 120 ha. Các huyện đều cho rằng những diện tích chuyển đổi sang nuôi trồng TS theo mô hình trang trại TS cho hiệu quả cao. Điển hình như hộ ông Cẩn ở Bảo Yên (Thanh Thủy) đã chuyển đổi sang chuyên nuôi cá gần 1 ha theo mô hình trang trại Cá – Vịt (1ha nuôi 550 – 700 con vịt); vịt ăn cám công nghiệp, cá sử dụng phân vịt làm thức ăn chính, lúc còn nhỏ cho ăn bổ sung cám vịt, khi cá lớn cho ăn bổ sung ngô nảy mầm. Mỗi năm thu hoạch 2 đợt, tổng sản lượng là 8 – 9 tấn cá thương phẩm cùng 3 – 4 tạ cá giống. Doanh thu mỗi năm trung bình đạt khoảng 150 triệu đồng. Hộ ông Bình ở Hồng Đà (Tam Nông): chuyển sang nuôi trồng thủy sản 6480 m2 bằng mô hình Chuối – Vịt – Cá. Xung quanh bờ ao trồng chuối; thả 600 con vịt, cho vịt ăn thức ăn công nghiệp; thức ăn chính của cá là phân vịt, ngoài ra cho ăn bổ sung thêm cám gạo, cám ngô, cỏ; doanh thu mỗi năm đạt khoảng 80 triệu đồng… Có thể khẳng định, nuôi cá trên diện tích đất chuyển đổi theo mô hình trang trại Cá – Vịt hoặc Chuối – Vịt – Cá đạt năng suất cao từ 6 – 9 tấn/ha. Ngoài thu từ nuôi cá thì thu từ nuôi vịt và trồng chuối cũng không nhỏ. Có thể coi việc xây dựng trang trại TS trên diện tích đất chuyển đổi từ nông nghiệp sang nuôi trồng TS là hướng đi mới do vậy cần tiếp tục thực hiện việc chuyển đổi đất kém hiệu qua sang nuôi trồng TS gắn liền với việc quy hoạch vùng nuôi trồng TS bền vững. Ngoài chính sách hỗ trợ giá giống TS triển khai được thuận lợi do thủ tục nhanh gọn, không có biểu hiện phiền hà; việc triển khai chính sách hỗ trợ máy chế biến thức ăn, hỗ trợ chuyển đổi đất kém hiệu quả sang nuôi trồng TS còn chậm do không phù hợp với quy mô hộ. Mặc dù còn có hạn chế nhưng với những điều ghi nhận được chương trình phát TS sản tiếp tục được coi là một tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trong chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp thời kỳ CNH-HĐH.