Xã Văn Lang có diện tích tự nhiên gần 1.100ha, trong đó có gần 267ha đất nông nghiệp. Trong 147ha đất ruộng 2 vụ lúa và 1 vụ lúa + 1 vụ màu có tới gần 8.000 thửa ruộng; trong đó gần 6.200 thửa có diện tích dưới 240m2/thửa. Rất nhiều thửa các hộ canh tác không thể sử dụng trâu, bò để cày, bừa mà phải cuốc, cào, vì quá chật hẹp. Ngay sau khi tiếp nhận chủ trương của huyện về việc chọn xã làm điểm chỉ đạo thực hiện “dồn ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn“ từ năm 2006, xã Văn Lang đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch, phương án dồn đổi ruộng đất. Theo đó, xã xác định lấy địa bàn khu dân cư làm cơ sở để các hộ có đất dồn đổi cho nhau theo tinh thần tự nguyện, dân chủ, công khai. Trong dồn đổi ruộng đất sẽ gắn với qui hoạch đầu tư xây dựng một số công trình giao thông, thủy lợi đồng ruộng, nhằm phục vụ cho yêu cầu phát triển lâu dài của địa phương. Số diện tích đưa vào dồn đổi là đất sản xuất nông nghiệp đã chia đến hộ, gồm đất 2 lúa, đất 1 lúa, đất 1 lúa+ 1 màu và đất mạ... Theo báo cáo tổng hợp ban đầu, toàn xã có gần 8.000 thửa ruộng, trong đó có 1.802 thửa có diện tích trên 240m2/thửa, còn lại gần 6.200 thửa từ 239m2 trở xuống, do 739 hộ sử dụng.
Do đặc thù của xã kinh tế thuần nông nên trong quá trình dồn đổi ruộng đất, xã chỉ giới hạn ở 97ha diện tích đất gieo cấy, gồm ruộng 2 vụ lúa, ruộng 1 lúa 1 +vụ màu. Tổng số thửa của 97ha này hiện có 5.326 thửa. Phương châm của xã là tập trung dồn đổi 3.957 ô thửa có diện tích dưới 240m2, còn các ô đã có 240m2 trở lên không nhất thiết phải dồn đổi; xã thực hiện chia ô nhỏ nhất đạt 240m2, hộ nhiều không quá 5 đến 6 thửa ruộng. Trong đó, đất lúa gieo cấy chủ yếu chỉ 2 đến 3 thửa/hộ. Bằng phương pháp để các hộ trong khu tự nguyện dồn đổi, áp dụng hệ số K rút ra, bù vào với ô nhỏ dồn lại chia cho hộ. Khả năng sau dồn đổi ở Văn Lang đảm bảo không còn ruộng gieo cấy dưới 240m2, nhiều hộ chỉ còn từ 1 đến 2 thửa ruộng cấy lúa.
Kết hợp với việc dồn ô, đổi thửa, xã Văn Lang qui hoạch lại 13 tuyến giao thông nội đồng, sửa chữa 5 tuyến mương cấp II và hệ thống mương cấp III với tổng diện tích thu hồi 2.055m2. Toàn bộ hệ thống giao thông, thủy lợi đã được Ban Chỉ đạo xã thiết kế, lập dự toán chi phí giao cho khu dân cư thực hiện thi công. Thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, xã tổ chức giao cho các hộ, các khu tự tổ chức thi công theo thiết kế của xã và khi công trình thành công, xã nghiệm thu, thanh toán tiền lại cho các hộ, các khu đã thi công. Cách làm này giúp xã chủ động được nguồn nhân lực và tạo được việc làm cho nhiều lao động địa phương.; mặt khác, việc tự tổ chức thi công của các hộ, khu dân cư được xã trừ vào phần đóng góp nghĩa vụ lao động công ích hàng năm của dân và nợ tồn đọng của các hộ, khu trong xã. Trước khi dồn đổi trên thực địa, các khu phải hoàn thành xây dựng, cải tạo hệ thống giao thông, thủy lợi... Bắt đầu từ vụ mùa năm 2007 cho đến nay, các hộ đã sử dụng có hiệu quả trên diện tích đã dồn đổi, góp phần đưa hệ số quay vòng đất lên 2,7 lần/năm trên ruộng 3 vụ, bình quân lương thực đầu người đạt trên 500kg/người/năm. Vụ mùa năm 2008, Văn Lang chọn trọng tâm mở rộng diện tích trồng cây đậu tương với mục tiêu đạt giá trị từ 1,8- 2 tỷ đồng, góp phần làm tăng độ phì nhiêu của đất ; số diện tích gieo cấy không ăn chắc sẽ được xã chuyển sang chăn nuôi thủy sản./.