00:00 Số lượt truy cập: 3229715

Phú Yên: Các HTX khai thác thủy hải sản giải thể hàng loạt vì thua lỗ 

Được đăng : 03/11/2016

Lĩnh vực khai thác thủy hải sản đang chịu tác động khá mạnh bởi khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Giá dầu tăng, nguồn lợi thủy hải sản đang dần hao hụt, vốn nhỏ lẻ, lại không thuộc thành phần được nhà nước hỗ trợ nên hàng loạt HTX hoạt động trong lĩnh vực này buộc phải giải thể.


GIẢI THỂ, THU HẸP SẢN XUẤT

Theo Liên minh HTX Phú Yên, tính đến nay, gần một nửa trong số 65 HTX đã ngưng hoạt động của liên minh thuộc lĩnh vực khai thác thủy hải sản. Hiện chỉ còn 3 HTX khai thác thủy hải sản đang hoạt động, gồm 2 HTX chuyển từ đánh bắt xa bờ sang đánh bắt gần bờ và sản xuất nước mắm, 1 HTX nuôi trồng thủy sản. Dù vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh của 3 HTX trên vẫn chưa ổn định, hiệu quả thấp.

HTX Nghề cá Mỹ Quang (huyện Tuy An) trước đây có hơn 20 thành viên, phương tiện đánh bắt duy nhất của đơn vị là chiếc tàu có mã lực 250CV mua được nhờ vốn vay ngân hàng (chiếm 60%). Sau mỗi chuyến ra khơi, trừ chi phí phát sinh, nguồn lãi thu về của HTX cũng chỉ đủ trả một phần tiền nợ ngân hàng, số chia cho xã viên không đáng là bao. Khi giá dầu tăng lên trên mức 10.000 đồng/lít, chỉ trong thời gian ngắn sau đó, HTX Mỹ Quang bắt đầu làm ăn thua lỗ. Chiếc tàu duy nhất của HTX phải bán lại cho người khác để có tiền trả nợ ngân hàng và trả công cho xã viên. HTX này đành chuyển sang làm dịch vụ chế biến thủy hải sản. Ông Nguyễn Hồng Sơn, Chủ nhiệm HTX Mỹ Quang cho biết: “Hiện nay hoạt động của HTX đang hết sức bấp bênh bởi công việc lúc có, lúc không. Hơn nửa số xã viên mang tâm lý chán nản vì thu nhập thấp nên chủ động xin ra HTX. Trong khi đó, do không thuộc diện được nhà nước hỗ trợ xăng, dầu, nguồn vốn tái đầu tư không còn, nên đơn vị phải thu hẹp quy mô sản xuất, làm ăn cầm chừng để tiếp tục duy trì hoạt động ở mức có thể”.

HTX Khai thác thủy hải sản Phú Bình (huyện Đông Hòa) được thành lập vào năm 1997, khi Chính phủ hỗ trợ các HTX vay vốn mua sắm phương tiện khai thác thủy hải sản. Để có thêm phương tiện làm ăn, HTX đã huy động nguồn vay từ xã viên kết hợp vốn vay ngân hàng, mua 2 chiếc tàu có công suất 250CV. Song, cũng như HTX Mỹ Quang, chỉ sau 5 tháng hoạt động, HTX này thua lỗ dài dài, mất luôn khả năng trả nợ nên buộc phải phát mãi tài sản và tiến hành giải thể.

CẦN LIÊN KẾT ĐỂ PHÁT TRIỂN

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Chủ nhiệm HTX Nghề cá Mỹ Quang, nguyên nhân dẫn đến tình trạng các HTX khai thác thủy hải sản bị thua lỗ trầm trọng là do quy mô mỗi HTX quá nhỏ, bình quân mỗi HTX chỉ có 15 xã viên. Do thiếu nguồn nhân lực nên các HTX này không thể cùng lúc vừa đánh bắt vừa phát triển thêm các dịch vụ chế biến sản phẩm từ thủy, hải sản.

Tuy nhiên, theo ông Lê Luân, Chủ tịch Liên minh HTX Phú Yên, trong quá trình khai thác thủy sản, nhiều HTX chỉ lo phát triển lượng tàu thuyền đánh bắt mà không chú trọng đến điều tra nguồn lợi thủy sản tại ngư trường của mình, công nghệ khai thác hạn chế, thị trường tiêu thụ sản phẩm gần như bỏ trống (tập trung bán ngay khi tàu cập bến). Mặt khác, việc xây dựng, phát triển HTX khai thác thủy hải sản còn mang nặng tư tưởng của mô hình HTX kiểu cũ, chủ nhiệm và xã viên chỉ trông chờ vào vốn vay ưu đãi cũng như các chính sách hỗ trợ từ nhà nước mà không tự thân vận động để phát triển. Không ít HTX phát triển theo ý muốn chủ quan của một số lãnh đạo địa phương, hầu như không có chính sách phát triển theo hướng bền vững lâu dài, dẫn đến tình trạng bị động một khi khó khăn nảy sinh. Hầu hết các HTX khai thác thủy sản được thành lập trong thời gian từ 1997 – 2001 nhằm mục đích vay vốn ưu đãi để đóng tàu khai thác hải sản xa bờ mà thiếu sự chuẩn bị các điều kiện về trình độ chuyên môn, những hiểu biết nhất định về ngư trường trong khi khả năng hoạch toán yếu kém nên làm ăn thua lỗ kéo dài.Trong khi đó, xã viên không ký cam kết trách nhiệm kinh tế với HTX về khoản vay vốn nên không có gì ràng buộc họ với HTX. Điều đó khiến nhiều người tự động rời bỏ HTX khi đơn vị gặp khó khăn.

Ông Lê Luân đề xuất: “Hiện nay, việc cần làm ngay là phải phát triển HTX tại những nơi có điều kiện về bến bãi, những vùng tập trung, sản lượng lớn. Đối với HTX khai thác hải sản xa bờ cần tổ chức hoạt động theo tổ, đội, theo điều tra dự báo ngư trường và giúp đỡ lẫn nhau nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm bớt rủi ro. Các HTX đang hoạt động cần liên kết với nhau trong việc hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ trang thiết bị, thông tin thị trường; đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá”.

Ông Luân cũng cam kết rằng, thông qua sự quan tâm của UBND tỉnh, Liên minh HTX Phú Yên sẽ đẩy mạnh việc thực hiện tốt các chính sách như khuyến ngư, khuyến công, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ chủ chốt của các HTX khai thác thủy sản, động viên tinh thần xã viên để tạo ra sự cố gắng ở mức cao nhất nhằm đưa những HTX này vượt qua khó khăn.