Trong sản xuất nông nghiệp hiện nay đặc biệt là sản xuất lúa nhằm giúp bà con nông dân áp dụng kỹ thuật mới để tăng hiệu quả kinh tế thu nhập trên một đơn vị diện tích, đồng thời tránh việc độc canh cây lúa, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo và chú trọng đẩy mạnh việc ứng dụng các công thức luân canh, xen canh cây trồng. Trong đó công thức luân canh cây trồng Lúa Đông Xuân – Đậu xanh Xuân Hè – Lúa Hè Thu đã được bà con nông dân áp dụng rộng rãi ở mọt số vùng nông thôn đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời lại có tác dụng cải tạo đất.
Năm 2007, Trung tâm Khuyến nông đã đầu tư xây dựng mô hình luân canh cây trồng theo công thức Lúa – Đậu xanh – Lúa tại HTX Nam An Nghiệp, huyện Tuy An với diện tích 13 ha. Tổng kết mô hình, bà con nông dân tại địa phương dã thấy được những hiệu quả hết sức thiết thực cả về mặt kinh tế và xã hội và đã nhân rộng công thức luân canh cây trồng ra diện rộng.
Năm 2008, với mục tiêu nhân rộng mô hình luân canh cây trồng ra các địa phương khác trong tỉnh, Trung tâm khuyến nông tiếp tục đầu tư xây dựng mô hình Luân canh cây trồng (Đậu Xanh – Lúa Hè Thu – Lúa Đông Xuân) tại HTX Hoà Quang Bắc, HTX thị trấn Phú Hoà (Phú Hoà), HTX Hoà Thành Tây (Đông Hoà ), qui mô mô hình là 12 ha cho 70 nông dân tham gia. Mỗi đơn vị sẽ thực hiện công thức luân canh trên diện tích 4 ha. Thực hiện triển khai mô hình, cán bộ kỹ thuật đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho bà con nông dân những kỹ thuật mới trong việc áp dụng công thức luân canh cây trồng, kỹ thuật trồng cây đậu xanh với các biện pháp như: trồng theo hàng, lên luống, phòng trừ sâu bệnh hại…
Kết thức mô hình, các điểm trình diễn tại các địa phương đã thu được kết quả tương đối cao. Năng suất bình quân của cây đậu xanh trong mô hình đạt 15,3 tạ/ha, riêng các điểm mô hình tại xã Hoà Quang Bắc năng suất đạt khá cao là 24 tạ/ha. Với giá thu mua đậu xanh hiện nay là 13.000 đ/kg, khu vực xã Hoà Quang Bắc sau khi trừ chi phí đã cho lãi đạt 20,32 triệu đ/ha. Mô hình đã được bà con nông dân tại các địa phương đánh giá cao và có khả năng nhân rộng ra các diện tích khác trong những vụ sản xuất sắp tới.
Trong công thức luân canh cây trồng, bà con nông dân đã quen với việc trồng lúa, riêng cây đậu xanh thì tương đối mới nên để thực hiện tốt hơn công thức luân canh trong thời gian tới, bà con cần quan tâm những vấn đề sau:
Việc áp dụng mô hình luân canh cần có sự đồng bộ trong vấn đề thời vụ, chế độ nước, giống lúa... Phải bố trí thời vụ hợp lý, đồng thời tính thời vụ phải ưu tiên hàng đầu. Thời vụ của mô hình quyết định cho cả quá trình sản xuất giữa cây trồng này với cây trồng sau có sự tương hổ lẫn nhau về mặc thời gian cũng như hổ trợ dinh dưỡng cho nhau.
Khi bố trí cây đậu xanh trong công thức luân canh cây trồng cần chú ý phân phối lịch thời vụ để cây đậu xanh trong giai đoạn ra hoa, đậu quả tránh sự ảnh hưởng của đợt mưa Tiểu Mãn. Kinh nghiệm của bà con nông dân là gieo cây đậu xanh vào trước 15 tháng 2 Am lịch hàng năm.
Để cây đậu xanh trong công thức luân canh đạt năng suất cao cần thực hiện tốt các kỹ thuật trồng như quy cách hàng cách hàng, mật độ gieo chỉ khoảng từ 13-15 cây/m2, phải lên luống, làm rãnh thoát nước...
Chế độ phân bón cũng rất quan trọng đối với cây họ đậu. Bà con nông dân cần chú ý bón phân lót ngay từ đầu, với lượng bón 400 – 500 kg/sào phân chuồng hoai. Ngoài ra cũng cần lưu ý cây họ đậu là cây trồng tự tổng hợp lượng đạm từ khí trời của vi khuẩn nốt sần nên cấn ít ure, thói quen của nông dân là thường bón thừa phân đạm nên khi thu hoạch đậu gần xong mà lá vẫn còn xanh tốt, lượng đạm cần thiết chỉ khoảng 1,5 – 2,5 kg/sào ở giai đoạn cây con và tăng cường bón phân kali để hỗ trợ cho việc đậu quả của cây đậu xanh.
Ngoài ra sâu bệnh cũng ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Tuỳ theo chu kỳ phát triển của cây đậu xanh mà có các loại sâu bệnh khác nhau. Sâu hại ở giai đoạn cây con thường thấy xuất hiện sâu đục lá, sâu tơ, sâu khoang, sâu xanh… Bệnh hại như bệnh héo cây con, bệnh khảm vàng... Cần theo dõi, kiểm tra để phát hiện sâu bệnh hại và có biện pháp phòng trừ kịp thời.