Trước thực tế đó, năm 2007 và 2008, Trung tâm Khuyến nông Phú Yên đã xây dựng mô hình chăn nuôi lợn sinh sản hướng nạc đảm bảo vệ sinh môi trường tại các xã Hòa Quang Nam, Hoà Trị và Hoà Định Đông, huyện Phú Hòa. Đã có 22 hộ nông dân tham gia thực hiện mô hình. Mục đích của mô hình là đưa các giống lợn ngoại chất lượng, tỷ lệ nạc cao, khả năng sinh sản khá như Lanđrát, Yorkshire... tới bà con nông dân trong vùng. Việc chăn nuôi đàn lợn nái trong mô hình được hướng dẫn áp dụng các quy trình kỹ thuật chọn giống, phối trộn các loại thức ăn đơn và bổ sung dinh dưỡng cho lợn nái sinh sản, thực hiện các chế độ chăm sóc đối với lợn nái hậu bị, lợn chuẩn bị sinh, đỡ đẻ và chăm sóc lợn con.
Qua 2 năm triển khai mô hình, lợn đã đẻ lứa đầu, một số lợn mẹ đã mang thai và đẻ được 2 - 3 lứa. Bình quân một lứa đẻ đạt 8,5 lợn con, vượt chỉ tiêu so với mô hình đề ra bởi lợn nái đưa vào mô hình là giống lợn ngoại có ưu điểm là đẻ rất sai, cỡ đồng đều, tỷ lệ nạc cao, giá bán cao hơn các giống lợn khác từ 1-2 giá. Tuy nhiên, vì là lợn ngoại nên thời gian động dục của lợn mẹ chậm hơn so với giống lợn nái địa phương.
Ngoài việc thực hiện mô hình nuôi lợn nái sinh sản, năm 2008, Trung tâm Khuyến nông Phú Yên còn tiến hành hỗ trợ cho các hộ tham gia mô hình xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải trong nuôi lợn. Hầm biogas được thiết kế tuỳ theo diện tích đất của các hộ chăn nuôi, có thể làm dạng vòm hoặc túi nilon treo. Trước đây, nông dân thường thải phân, nước ra quanh khu vực nhà hoặc thải xuống ruộng nên rất ô nhiễm. Việc sử dụng hầm biogas đã xử lý chất thải của lợn, không gây ô nhiễm, môi trường chăn nuôi đã được cải thiện đáng kể. Ngoài mục đích xử lý chất thải, việc xây dựng hầm biogas còn cung cấp cho các hộ chăn nuôi lượng khí gas để phục vụ sinh hoạt hàng ngày, tiết kiệm một khoản đáng kể cho người dân.
Có dịp đến tận các điểm triển khai mô hình mới thấy được niềm vui của bà con nông dân khi áp dụng mô hình chăn nuôi lợn sinh sản hướng nạc đảm bảo vệ sinh môi trường. Chị Nguyễn Thị Hiền, ở xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa phấn khởi cho chúng tôi biết: trước đây gia đình chị thường thải phân, nước chuồng lợn ra phía sau nhà, rất ô nhiễm. Bây giờ làm hầm biogas thì toàn bộ chất thải đó đều cho xuống hầm, toàn bộ khu vực chăn nuôi rất sạch sẽ, không còn ô nhiễm như trước đây. Chuồng lợn thoáng mát, đàn lợn phát triển tốt hơn trước. Khí biogas được gia đình sử dụng vào mọi nhu cầu hàng ngày như nấu cơm hay nấu thức ăn cho lợn.
Chị Nguyễn Thị Nhi, ở xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa, cho biết gia đình chị nuôi 2 con lợn nái, cả 2 đều đã đẻ con, một con chuẩn bị đẻ lứa 2. Từ khi xây dựng hầm biogas, chị đã mạnh dạn phát triển thêm đàn lợn thịt trong chuồng. Hiện nay, nhà chị có 6 con lợn thịt, 4 lợn nái và 11 con lợn con, khí gas sinh ra từ các hầm biogas gia đình chị không dùng hết, phải chuyền dây cho 2 hộ hàng xóm bên cạnh dùng miễn phí.
Có thể đánh giá mô hình chăn nuôi lợn nái sinh sản hướng nạc đảm bảo vệ sinh môi trường triển khai tại huyện Phú Hòa bước đầu đã thu được những thành công nhất định. Việc đưa các giống lợn nái ngoại, có chất lượng đã giúp cải thiện chất lượng lợn thịt của huyện. Thêm vào đó, việc kết hợp xây dựng hầm biogas đã giúp cho các hộ chăn nuôi ổn định sản xuất, tạo cơ sở bền vững, thân thiện với môi trường trong việc chăn nuôi lợn, giảm được bệnh tật cho đàn lợn.