Tại huyện Sông Cầu tỉnh Phú Yên, từ ngày 5/5/2009 đến nay, dịch bệnh trên tôm sú và cá mú đã và đang xảy ra trên diện rộng, thiệt hại nhiều nhất là xã Xuân Lộc, với 57ha/100 ha thả nuôi tôm sú trên toàn xã bị chết do bệnh. Tại thôn Diêm Trường, xã Xuân Lộc hiện tượng cá mú chết hàng loạt diễn ra từ đầu tháng 5 với số lượng cá chết ước tính khoảng 2500 con/26 hộ nuôi, đặc biệt có nhiều hộ cá nuôi chết 100%. Nguyên nhân ban đầu được xác định là cá bị viêm nhiễm đường ruột (ruột bị hoại tử) đối với cá có kích cỡ từ 200gram trở lên, cá nhỏ hơn còn kèm theo hiện tượng lở loét toàn thân.
Ở huyện Đông Hòa, dịch bệnh trên diện tích thả nuôi tôm thẻ chân trắng cũng diễn biến phức tạp, hiện tượng ban đầu được xác định là tôm bị đỏ thân, rớt đáy, chủ yếu xảy ra ở khu vực Phước Giang, xã Hoà Tâm
Các vùng nuôi tôm hùm khác trên toàn Tỉnh cũng có nhiều biến động, tuy nhiên theo người nuôi số lượng tôm bị bệnh chết đã giảm hơn so với đợt quan trắc trước, nguyên nhân tôm chết: đỏ thân đối với tôm nhỏ và do đen mang, sữa, long đầu đối với tôm lớn hơn (600gam trở lên).
Ngành Nông nghiệp đã khuyến cáo người nuôi cá mú ở khu vực xã Xuân Lộc cần phối trộn Vitamin C, kháng sinh phổ rộng,… thêm trong thành phần thức ăn cho cá mú để tăng sức đề kháng cho cá trước khi các cơ quan chức năng xác định được nguyên nhân chính xác gây bệnh và cách phòng trị bệnh đặc hiệu. Kiểm soát chất lượng và số lượng thức ăn, không cho cá ăn thức ăn ươn thối hoặc dư thừa. Đồng thời cần thu gom xác cá đã chết, tiến hành chôn lấp đúng quy định, không qvứt bừa bãi ra môi trường ngoài gây lây lan bệnh cho các vùng nuôi. Treo túi vôi (2 - 3kg túi, 4 - 6 túi/lồng) xung quanh lồng để diệt khuẩn khu vực nuôi.
Đối với những ao nuôi tôm sú bị bệnh ở khu vực Sông Cầu, người nuôi cần xử lý diệt khuẩn bằng Chlorine trước khi xả nước nuôi ra môi trường ngoài, tránh tình trạng lây lan bệnh trong khu vực.