Tuy nhiên, hiện dịch bệnh tôm hùm vẫn đang tiếp tục lây lan với tỉ lệ tôm chết chiếm khoảng 50% số lượng lồng.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thịnh (huyện Sông Cầu) Trương Hồng Ngọc cho biết dịch bệnh tôm sữa vẫn đang lây lan ở các vùng nuôi, nên số hộ nuôi và số lồng tôm thả nuôi ở đây đã giảm từ 60 - 70%. Toàn xã Xuân Thịnh thả nuôi tôm lứa (cỡ tôm bình quân 0,5kg trở lên) trên 550 lồng với khoảng 55.000 con, nhưng đã có hơn 80% số lồng nuôi tôm hùm bị bệnh chết hàng loạt. Ngoài bệnh tôm sữa, thời gian gần đây do ảnh hưởng thời tiết lạnh rét, tôm hùm bị đỏ thân, đen mang và bỏ ăn lăn ra chết, gây thiệt hại nặng cho người nuôi.
Ông Phạm Văn Tuấn - Phó phòng Kinh tế huyện Sông Cầu, cho biết, từ khi Bộ NNPTNT công bố các phương pháp phòng trị bệnh tôm hùm ở miền Trung, huyện đã triển khai chương trình phòng, chống khẩn cấp dịch bệnh tôm hùm; tổ chức 2 đợt tập huấn cho bà con kỹ thuật nuôi, cách pha trộn thuốc và tiêm kháng sinh phòng trị bệnh tôm hùm.
Sau khi sử dụng các loại kháng sinh Doxycyline, Enrocine OSSI-C, Vime N333, vitamin... tôm ngừng chết, nhưng sau 2 tuần đến 1 tháng, bệnh tái phát. Thêm vào đó, nhiều người dân vẫn chưa tin tưởng kỹ thuật xử lý bệnh tôm, chưa tích cực hưởng ứng và ứng dụng phác đồ điều trị bệnh tôm. Đặc biệt, do bệnh tôm sữa quá nặng và lây lan trên diện rộng, nên vẫn chưa thể áp dụng các biện pháp khống chế được dịch bệnh tôm.
Cũng theo ông Phạm Văn Tuấn, đến nay, các ngành chức năng vẫn chưa xác định các nguồn lây nhiễm bệnh tôm hùm sữa.