Khác với các năm trước, vụ tôm năm nay ở hạ lưu sông Bàn Thạch (huyện Đông Hòa), người dân ồ ạt chuyển hẳn sang nuôi tôm thẻ chân trắng.
Điều đáng nói là, người nuôi mua giống trôi nổi kém chất lượng, không qua kiểm dịch, thả nuôi dày... dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh lây lan.
Ồ ạt thả nuôi tôm thẻ
Năm trước, tôm thẻ chân trắng thả nuôi ở một số vùng ven biển trong tỉnh đã thu hoạch đạt năng suất rất cao, thu lãi lớn; riêng vùng ở hạ lưu sông Bàn Thạch đạt năng suất 3,4 tấn/ha. Thêm vào đó, ưu điểm của tôm thẻ là thời gian nuôi ngắn, ít bị dịch bệnh, chi phí thuốc phòng trị bệnh tôm thấp, giá giống tương đối thấp..., nên phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng đã "lên ngôi" trong vụ nuôi năm 2009.
Tại vùng nuôi ở hạ lưu sông Bàn Thạch và các vùng nuôi cao triều ở huyện Đông Hòa, bà con đã ồ ạt chuyển hẳn sang độc canh tôm thẻ với diện tích gần 400ha. Ông Nguyễn Văn Long - một người nuôi tôm thẻ ở xã Hòa Tâm - tâm sự: "Trước đây, tôi nuôi tôm sú liên tục bị dịch bệnh, lỗ vốn nặng. Năm 2008, tôi chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng, thu lãi được vài chục triệu đồng, đã "cứu" gia đình tôi thoát khỏi nợ nần. Do vậy, vụ mùa năm nay tôi mạnh dạn đầu tư mua 50 vạn con tôm thẻ post".
Ông Đặng Tín - Chủ tịch UBND xã Hòa Tâm - cho biết, năm nay người nuôi thả tôm thẻ không theo mùa vụ, nhiều diện tích thả nuôi rất sớm, đã có hơn 10ha tôm nuôi được hơn 2 tháng tuổi. Hiện nay, có ngày số lượng tôm thẻ post thả lên đến 5 triệu con. Theo ông Đỗ Kim Đồng - Phó phòng NNPTNT huyện Đông Hòa - người nuôi tôm ở đây chưa tuân thủ quy chế vùng nuôi, chạy theo lợi nhuận nuôi tôm thẻ với mật độ rất dày, từ 60 - 100 con/m2.
Điều này gây khó khăn cho công tác quản lý mùa vụ, vùng nuôi, dịch bệnh... Theo kế hoạch, vụ này bà con sẽ thả nuôi khoảng 700ha diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng ở hạ lưu sông Bàn Thạch.
Mua giống trôi nổi, không kiểm dịch
Việc người dân ồ ạt nuôi tôm thẻ chân trắng đã làm cho nguồn giống trở nên khan hiếm. Mặc dù trên địa bàn huyện Đông Hòa đã có 26/34 trại giống ương nuôi giống tôm thẻ, nhưng vẫn không đủ cung ứng cho người nuôi. Bà con đã đi mua gom con giống trôi nổi ngoài tỉnh như ở Lương Sơn, Vạn Ninh (Khánh Hòa), Phan Rang (Ninh Thuận)... Đặc biệt, hầu hết nguồn tôm thẻ giống mua gom không qua kiểm dịch mầm bệnh.
Theo ông Đỗ Kim Đồng - Phó phòng NNPTNT huyện Đông Hòa - tôm giống không kiểm dịch thả nuôi tràn lan sẽ là nguy cơ làm bùng phát dịch bệnh tôm. Hiện đã có 2,5ha tôm thẻ chân trắng 1 tháng tuổi ở vùng hạ lưu sông Bàn Thạch (0,6ha) và đồng Bầu Sấu, xã Hòa Tâm (1,9ha) đột nhiên bị bệnh chết, chưa rõ nguyên nhân.
Trong suốt thời gian dài, Phú Yên bị dịch bệnh tôm sú, dẫn đến nhiều đồng tôm bị bỏ hoang. Do vậy, phong trào chuyển đổi nuôi tôm thẻ có thể "cứu" được các cánh đồng tôm sú. Tuy nhiên, hiện nay, đa số hộ nuôi chưa nắm vững kỹ thuật, chưa được tham quan, học tập mô hình nuôi tôm thẻ hiện đại, đã mua giống trôi nổi ở nhiều nơi rồi thả nuôi nhiều vùng, nhiều nơi.
Nếu các ngành chức năng và địa phương không quản lý, kiểm tra môi trường, kiểm dịch chất lượng giống, ngăn chặn nuôi tôm thẻ tự phát ồ ạt như hiện nay, thì nguy cơ ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh tôm thẻ như tôm sú, gây thiệt hại nặng cho người nuôi là điều khó tránh khỏi!