00:00 Số lượt truy cập: 3233989

Phú Yên: Phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa - Sẽ nghiên cứu, du nhập loại ong ký sinh mới 

Được đăng : 03/11/2016

Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên vừa tổ chức hội thảo khoa học đánh giá kết quả thực hiện các biện pháp phòng trừ bọ hại dừa tại Phú Yên. Báo Phú Yên phỏng vấn tiến sĩ Satoshi Nakamura - Trưởng dự án Phòng trừ bọ dừa vùng Đông Nam Á thuộc tổ chức JIRCA (Nhật Bản) xung quanh vấn đề này. Tiến sĩ Satoshi Nakamura, cho biết:


Chương trình đưa o­ng ký sinh Asecodes hispinarum diệt bọ hại dừa trên diện tích hơn 200 ha tại xã An Thạch (huyện Tuy An) và một số phường thuộc thị xã Sông Cầu đạt kết quả tương đối tốt, hiệu quả phòng trừ giảm 30% tỉ lệ gây hại, góp phần cân bằng môi trường, hệ sinh thái ở vùng trồng dừa. Tuy nhiên, tồn tại hiện nay là với kích thước quá nhỏ bé lại rất mẫn cảm với nhiệt độ môi trường nên đối tượng o­ng ký sinh chỉ phát triển mạnh dưới 300C, trong khi đó biến động nhiệt độ ở Phú Yên rất cao. Nếu nhiệt độ ở mức trên 300C trong mùa nắng nóng thì o­ng ký sinh sinh trưởng kém. Ở các vùng miền Nam Việt Nam hoặc các nước New Zealand, đảo Hải Nam, Đài Loan (Trung Quốc), Campuchia, Thái Lan, Philippines… thì biến thiên nhiệt độ thấp hơn rất nhiều, nên o­ng ký sinh diệt trừ bọ dừa đạt hiệu quả cao hơn tỉnh Phú Yên.

* Tổ chức JIRCA có giải pháp nào giúp Phú Yên phòng trừ triệt để bọ cánh cứng hại dừa trong thời gian tới, thưa ông?

- Vấn đề này thật khó để phòng trừ dứt điểm bọ dừa ở nơi nào đó. Con o­ng ký sinh Asecodes không đủ mạnh để khống chế con bọ dừa bởi điều kiện khí hậu ở Phú Yên rất khắc nghiệt. Tỉ lệ dừa bị gây hại do bọ cánh cứng tại Phú Yên giảm trong khoảng thời gian một năm rồi tăng trở lại, do một số bọ dừa không phòng trừ hết, nên sau đó tiếp tục phát sinh lứa mới. Tôi được biết, người trồng dừa Phú Yên rất nôn nóng trong việc phòng trừ bọ hại dừa. Nếu bà con dùng thuốc hóa học phun lên cây dừa thì bọ dừa chết ngay, nhưng kéo theo nhiều tác hại khác làm ô nhiễm môi trường và mất cân bằng hệ sinh thái. Do vậy, việc đưa tác nhân sinh học vào vùng dịch hại để phòng trừ bọ dừa tuy chậm nhưng ổn định lâu dài, cân bằng được môi trường, hệ sinh thái. Vấn đề đặt ra trong thời gian tới của tổ chức JIRCA, Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên và người dân phải cùng nhau phối hợp chặc chẽ trong việc nhân nuôi và phóng thích o­ng ký sinh ra môi trường tự nhiên nhằm phát huy hiệu quả o­ng ký sinh này trong từng điều kiện cụ thể ở từng địa phương. Tôi cho rằng, nếu o­ng ký sinh khống chế bọ dừa ở ngưỡng gây hại không có ý nghĩa đã là thành công.

* Được biết, tại đảo Hải Nam và Đài Loan (Trung Quốc), các nhà khoa học đã phát hiện loài o­ng ký sinh mới có tên khoa học là Tetratichus Brontispae. Vậy tổ chức JIRCA có du nhập loại o­ng này để thay thế o­ng Asecodes phòng trừ bọ dừa tại Phú Yên không, thưa ông?

- Có thể tôi sẽ đề nghị đưa cùng lúc cả 2 loại o­ng ký sinh nói trên để diệt bọ dừa tại Phú Yên. Hiện nay, song song với việc tiếp tục mở rộng quy mô chương trình phòng trừ bọ hại dừa tại Phú Yên, Ban quản lý dự án Phòng trừ bọ dừa vùng Đông Nam Á thuộc tổ chức JIRCA đang phối hợp với Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh tiến hành các nghiên cứu đối với con o­ng ký sinh mới Tetratichus Brontispae. Qua đó, sẽ đánh giá loài o­ng ký sinh mới này thích nghi với điều kiện môi trường, khí hậu miền Trung ở mức nào, sau đó mới thực hiện các bước du nhập và đưa vào vùng dừa để phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa đạt kết quả cao hơn, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại cho người trồng dừa.

* Xin cảm ơn ông!