Thời gian qua, Hội Nông dân và Sở Khoa học và Công nghệtỉnh Phú Yên đã phối hợp triển khai một số dự án trồng trọt có hiệu quả cho nông dân.
Dự án: Trồng và phát triển cây dược liệu an toàn phù hợp với vùng đất Phú Yên để làm thuốc trong nước và xuất khẩu, xuất phát từ điều kiện sinh thái vùng ven sông, ven biển tại các xã Hòa An-huyện Phú Hòa, phường Phú Thạnh-thành phố Tuy Hòa, xã Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Trung, Hòa Hiệp Bắc-huyện Đông Hòa rất thích hợp trồng cây Diệp hạ châu có chất lượng cao đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng để cung ứng nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP, WHO. Kết quả dự án cho thấy, thu nhập của người trồng cây Diệp hạ châu từ 120-170 triệu đồng/ha ở vùng bãi bồi ven sông Đà Rằng và thu nhập từ 67-85 triệu đồng/ha ở vùng đất cát ven biển. Dự án đã tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng cây Diệp hạ châu theo tiêu chuẩn VietGap cho 224 lượt nông dân ở ven sông Đà Rằng, phường Phú Thạnh và các xã Hòa An, xã Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Trung, Hòa Hiệp Bắc. Dự án đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Dự án: xây dựng mô hình trồng sắn có xen cây họ đậu tại huyện miền núi Đồng Xuân; Dự án đã tổ chức điều tra bổ sung hiện trạng, xác định được những hạn chế và nguyên nhân làm giảm năng suất sắn ở huyện Đồng Xuân, từ đó xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật canh tác sắn bền vững để chuyển giao và xây dựng các mô hình, góp phần hạn chế thoái hóa đất canh tác sắn trên đất dốc của huyện. Dự án đã tuyển chọn được 3 giống sắn: SM2075-18 (có thời gian sinh trưởng 285 ngày, năng suất củ tươi bình quân 31,9 tấn/ha, hàm lượng tinh bột bình quân sau 10,5 tháng trồng là 26,4%, không phân cành, chịu hạn tốt, sạch sâu bệnh); NA1 (có thời gian sinh trưởng 315 ngày năng suất củ tươi bình quân 43,4 tấn/ha, hàm lượng tinh bột bình quân sau 10,5 tháng trồng là 26,1%, không phân cành, chịu hạn khá, sạch sâu bệnh); và giống sắn KM98-5 (có thời gian sinh trưởng 287 ngày năng suất củ tươi bình quân 27,5 tấn/ha, hàm lượng tinh bột bình quân sau 10,5 tháng trồng là 26,9%, không phân cành, chịu hạn khá, sạch sâu bệnh). Ngoài ra, dự án còn tuyển chọn 2 giống sắn triển vọng là BKA900 và SM937-26.
Xây dựng mô hình trồng lạc xen trong sắn trên đất dốc với quy mô 5,8ha/2 năm, năng suất bình quân của mô hình là 29,4 tấn củ tươi/ha và năng suất lạc bình quân của mô hình là 14,1 tạ/ha. Lãi ròng của mô hình là 47,103 triệu đồng/ha, lãi ròng gấp 2,35 lần so với sắn trồng thuần.
Đào tạo 25 kỹ thuật viên là người địa phương, tập huấn kỹ thuật canh tác sắn bền vững cho 200 lượt hộ. Từ kết quả của dự án đã góp phần vào việc tăng năng suất, chất lượng cây sắn, giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả trên đơn vị đất canh tác, sử dụng tài nguyên đất bền vững và hợp lý.
Mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ H14 ở huyện miền núi Sơn Hòa: Mô hình được trồng thí điểm tại 02 xã Suối Bạc và xã Sơn Xuân trên diện tích 02 ha đất dốc và đá nhiều, sau 16 tháng triển khai, kết quả bước đầu cho thấy giống cây thanh long ruột đỏ H14 thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương. Điển hình như hộ ông Hồ Tấn Trung trồng 170 trụ thanh long ruột đỏ trên diện tích 1.500m2 đã thu hoạch lứa đầu tiên năng suất 5-10 kg/trụ với giá bán 25-30 ngàn đồng/kg, cho thu nhập cao gấp 3-4 lần trồng những cây rau màu khác.
Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh và Sở Khoa học và Công nghệ còn phối hợp tập huấn khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề trồng hoa, cây cảnh; trồng nấm, chăn nuôi nai lấy nhung, chế biến thủy sản ... cho 400 lượt hộ nông dân tham gia và xây dựng thương hiệu một số mặt hàng thủy sản tiêu biểu của Phú Yên.