00:00 Số lượt truy cập: 3235478

Phục hồi những cánh đồng muối tập trung tại các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long 

Được đăng : 03/11/2016
Các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long đã đưa vào sản xuất trên 5.300 ha sản xuất muối, tập trung nhiều nhất tại các tỉnh có nghề làm muối truyền thống lâu đời như Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Bến Tre... Đây cũng là năm, vùng này có diện tích sản xuất muối lớn nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, ước tính năng suất bình quân 50 tấn/ ha, sản lượng muối thương phẩm lên đến 265.000 tấn.

Diện tích muối ở các địa phương này hồi phục mạnh nhờ muối có giá cao, với 3.000 đ/kg muối trắng, 1.200 đ đến 1.400 đ/kg muối đen. Mỗi ha muối, diêm dân thu lợi từ 70 đến 100 triệu đồng. Người dân Trà Vinh đã cải tạo 100 ha đất nuôi tôm sú sang làm muối cho thu nhập ổn định, ít rủi ro, ít vốn liếng. Tỉnh Bến Tre cũng đã mở rộng diện tích làm muối lên 860 ha, chủ yếu tại huyện Ba Tri và Bình Đại. Tỉnh Bạc Liêu triển khai kế hoạch cải tạo, nâng cấp cánh đồng muối và tổ chức lại sản xuất trên 2.900 ha muối tại thị xã Bạc Liêu và huyện Đông Hải. Tỉnh Sóc Trăng qui hoạch vùng sản xuất muối và nuôi trồng thủy sản 2.700 ha, trong đó có 1.400 ha làm muối tại huyện duyên hải Vĩnh Châu.
 Cùng với khôi phục diện tích sản xuất, các địa phương nói trên cũng đã quan tâm ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào quá trình kết tinh muối nhằm tăng năng suất, sản lượng và nâng cao chất lượng. Tỉnh Bến Tre đầu tư thí điểm 3 mô hình sản xuất muối sạch trên bạt nylon trên diện tích gần 3 ha. Mỗi mô hình được đầu tư 12,7 triệu đồng cho kết quả tốt, rút ngắn thời gian kết tinh, tiết kiệm nhân công, năng suất cao, cho ra muối trắng và không lẫn tạp chất. Vùng muối tỉnh Sóc Trăng cũng đang áp dụng mô hình kết tinh muối bằng sân xi măng thay cho sân đất nện cũng cho kết quả tương tự. Ngoài ra, các mô hình luân canh vụ tôm – muối – artemia, tôm – muối, muối – cá kèo tại các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long cũng chứng tỏ tính ưu việt, bền vững và hiệu quả./.