Thế nhưng đến thôn Phước Tiến vào thời điểm này, giá mì đang rớt nên trên gương mặt từng người dân có rẫy mì không giấu được nỗi lo. Mặc dù đến đầu tháng chạp, mì mới bắt đầu thu hoạch chính, nhưng với họ dường như vẫn không hy vọng gì cho một mùa bội thu.
Anh Dương Văn An – Bí thư chi bộ thôn cũng là một trong những hộ có diện tích trồng mì nhiều nhất thôn, với 25 ha cho biết: “Tôi đầu tư chi phí từ đầu vụ đến nay cho rẫy mì của mình gần 200 triệu đồng, với giá mì hiện nay không biết tính sao. Cũng hên là nhà có vài ha đất, còn lại thuê đất của anh em trong nhà thêm chục ha nữa với giá cũng rẻ, chứ như những hộ khác chắc lỗ nặng”. Một phần do thời tiết năm nay không thuận lợi, mì khó phát triển, phân bón lại tăng gấp đôi, chi nhân công cũng tăng hơn, nên tính ra 25 ha mì của anh cũng chỉ còn khoảng 18ha.
Nhà ông Lê Đức Phương trong thôn cũng đang lo sốt vó từ bữa giờ nghe giá mì rớt quá thấp. Vừa buồn vừa lo, ông cho biết năm ngoái nhà không trồng mì, thấy người ta rủ nhau trồng ông cũng làm theo. Với lại, ở đây ngoài làm nông biết làm gì nữa. Thế là làm liều thuê gần 6ha đất, mỗi ha tiền thuê là 5 triệu, nếu thêm tiền mướn nhân công làm đất lại phải tốn thêm 2 triệu nữa mới trồng được. Ông Phương nhẩm tính, bữa giờ vay ngân hàng gần 20 triệu, chi phí phân bón, nhân công xuống giống 70 – 80 triệu đồng, nếu như giá mì từ 3.400 – 3.500 đồng/kg thì mới hoàn vốn.
Cả thôn Phước Tiến có đến 30% hộ làm mì với trên 200 ha, hộ nào cũng phải thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng. Có người vay gần 50 triệu đồng, lãi suất là 0,18%. So với năm ngoái số hộ trồng mì ít hơn chỉ gần 100 ha đổ lại. Tân Phước là xã nghèo cũng là xã mới chia tách của thị xã Lagi, trong đó thôn Phước Tiến là thôn kinh tế mới của hầu hết dân tứ xứ. Họ đến từ miền Bắc miền Trung, miền Tây chỉ với nghề làm rẫy hoặc trồng rừng. Năm nay thôn này có diện tích trồng mì nhiều nhất xã vì trước đây một số hộ từng bỏ đất đi làm thuê, thu mua ve chai, bán vé số bây giờ quay về trồng mì. Bữa giờ nghe giá mì rớt giá, bà con trong thôn ai nấy cũng đều bỏ rẫy mì, chẳng buồn chăm sóc. Họ tìm đến các cơ sở chế biến cá cơm xin làm công, lặt đầu cá kiếm tiền mua gạo cho con. Một số đi bán vé số, phụ hồ.
Anh An cho biết, toàn thôn có 24 hộ nghèo/216 hộ chiếm gần 10%, có trên 20 hộ cận nghèo. Đời sống bà con cũng chỉ đủ ăn qua ngày. Sợ sau vụ mì này, nhiều hộ sẽ bị tái nghèo, và nợ ngân hàng mà chưa biết lấy gì để trả. Và từng đêm họ luôn bị mất ngủ vì.. cây mì!