00:00 Số lượt truy cập: 3231305

Qua hè, vẫn mòn mỏi chờ tiền hỗ trợ trâu bò...chết rét 

Được đăng : 03/11/2016

Ngày 19/2/2008, Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ trâu bò bị thiệt hại do ảnh hưởng rét đậm, rét hại đầu năm 2008. Gần 6 tháng sau, người nông dân Quảng Trị vẫn mòn mỏi đợi số tiền này.


Mất "đầu cơ nghiệp" - người nông dân khốn khó!

 

Đợt rét đầu năm đã làm 1 con trâu của gia đình ông Lê Vọng (thôn Trung, xã Hải Trường, Hải Lăng) bị chết. Từ đó đến nay, chuồng trâu nhà ông vẫn để không. “Tui nghe Nhà nước có chính sách hỗ trợ. Cũng mừng, mà chờ mãi chẳng thấy đâu. Nuôi được con trâu khổ lắm chú” - ông Vọng nói.

 Nhà có 6 khẩu, 2 con lớn đi làm xa, chỉ còn ông bà già ở với 2 đứa cháu. Năm nay đã 70 tuổi, mỗi lần thả trâu, một mình ông Vọng phải đi gần 2km đường đồi mới có cỏ cho trâu. Trong thôn tập hợp nhau lại, rồi thay nhau lên đồi chăn trâu. Mùa rét vừa rồi, không có gì cho trâu ăn, gia đình ông Vọng phải mua rơm với giá 20 nghìn/bao tải cho trâu ăn.

 

Vụ vừa rồi, không có trâu, ông Vọng phải thuê máy cày, “lại thêm một khoản tốn kém, định khi có tiền Nhà nước hỗ trợ, tui sẽ thả lại một con trâu. Nhưng chẳng biết khi mô đây?”, ông Vọng buồn rầu nhìn vào chuồng trâu bỏ không nói.

 

Còn đối với gia đình ông Nguyễn Văn Quán (thôn Tích Tường, Hải Lệ, thị xã Quảng Trị), nhà có 13 con trâu thì chết mất gần nửa, 6 con. “Lúc đó, nhìn trâu chết mà lòng tui như xát muối. Sau có nghe Nhà nước hỗ trợ một con 2 triệu, tui làm giấy tờ, đơn xác nhận mà mãi chẳng thấy chi hết” - ông Quán nói.

 

Ở thôn Tích Tường, người dân chủ yếu sống bằng làm ruộng và chăn nuôi trâu bò. Đợt rét đầu năm 2008, nhà nhiều thì chết 5 – 6 con, nhà ít một hai con. Cả thôn có đến hơn 80% số hộ nuôi trâu. Ngày ngày họ nóng ruột chờ tiền hỗ trợ.

 

Điệp khúc chờ

Ông Lê Vọng: "Chờ mãi mà chẳng thấy đâu!" Ảnh: Hoàng Táo.

Trước tình hình rét hại, rét đậm kéo dài gây thiệt hại lớn cho bà con nông dân, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ khá kịp thời, tạo điều kiện cho bà con khôi phục sản xuất. Đó là quyết định trợ cấp tiền cho trâu, bò và lúa bị chết trong đợt rét.

Ngày 19/2/2008, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 201/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2007 - 2008 và chăn nuôi trâu bò bị thiệt hại do ảnh hưởng rét đậm, rét hại năm 2008. 

Đến ngày 22/5/2008, Quyết định 602/QĐ-TTg được ban hành nhằm bổ sung, sửa đổi một số điều của Quyết định 201 nói trên. Theo đó, số tiền hỗ trợ là 2 triệu đồng/con trâu bò chết và 320 nghìn đồng/ha lúa chết.

 

Theo 2 quyết định trên, Sở NN&PTNT Quảng Trị cùng các huyện, thị xã đã lập biểu thống kê số lượng trâu bò và diện tích lúa bị thiệt hại. Số lượng trâu bò và lúa được chốt đến hết ngày 3/3/2008.

 

Ngày 16/7, UBND tỉnh Quảng Trị ký Quyết định 1325/QĐ-UBND bố trí kinh phí hỗ trợ các gia đình khôi phục sản xuất lúa, chăn nuôi bị thiệt hại. Tức là, tiền đã về đến “két bạc” của các huyện, thị xã từ gần một tháng nay, nhưng vẫn chưa đến được tới tay người dân.

 

Lý giải vấn đề này, ông Võ Văn Quang, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hải Lăng cho hay: “Số lượng trâu bò chết trên thực tế nhiều hơn so với con số được hỗ trợ. Theo quyết định trợ cấp, huyện Hải Lăng có 557 con trâu bò được hỗ trợ. Nhưng số trâu bò chết trong đợt rét đầu năm nhiều hơn con số đó. Điều này đã làm huyện đau đầu, chưa biết giải quyết thế nào với số chênh lệch nói trên”.

 

Huyện Triệu Phong cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Nguyên do của con số chênh lệch được đưa ra là do “thời điểm chốt danh sách vào ngày 3/3, các xã đưa ra con số báo cáo nhanh bằng điện thoại. Nhưng sau đó, số trâu bò chết được thống kê nhiều thêm và đổ về huyện. Khi huyện báo cáo con số cuối cùng lên tỉnh thì sự đã rồi, tất cả đã gửi ra Trung ương nên không thể thay đổi”.

 

Ông Quang nói thêm: “Chỉ còn một cách là xin huyện cấp kinh phí dự phòng để hỗ trợ cho số chênh lệch nói trên. Bởi cùng chết trâu bò như nhau, không thể để tình trạng người được hỗ trợ, người không, chỉ cách nhau cái thời điểm”.

 

Trong khi phòng nông nghiệp và chính quyền các huyện, thị xã đang chờ nhau để tìm cách giải quyết cho ổn thoả con số “dôi dư” nói trên, thì người dân vẫn đang mong tiền hỗ trợ để thả lứa trâu bò mới, còn vụ hè thu thì đã gần hết chặng đường.