00:00 Số lượt truy cập: 2692123

Quan lơ là, dân coi thường dịch bệnh! 

Được đăng : 03/11/2016
Giữa thời điểm dịch cúm gia cầm đã tràn đến cửa ngõ thành phố vậy mà chỉ trong buổi sáng 10/3, đoàn thanh tra liên ngành thành phố Hà Nội đã kiểm tra và bắt giữ một lượng lớn gà sống nhập lậu tại hai cơ sở giết mổ ngay trong khu vực nội thành đông đúc dân cư.



Khi đoàn kiểm tra ập đến, ba bốn nhân viên của cơ sở kinh doanh gia cầm 91 Núi Trúc (phường Kim Mã, Ba Đình) vẫn đang “say sưa” giết, mổ bên cạnh chuồng gà to tướng. Tất cả đều không mang khẩu trang và trang phục bảo hộ khi làm việc. Lúc này, toàn bộ số nhân viên làm gà mới nháo nhác kéo cánh cửa để gạt đám gà đã vặt lông trên sàn vào phòng trong để cất giấu.



Hiện trường để lại là gần 100 con gà, ngan, chim đã làm thịt và đông lạnh được tìm thấy đều không có giấy kiểm dịch của thú y. Nhiều con gà đã làm xong bị vứt dưới sàn, bên cạnh các lồng gia cầm sống và các thùng đựng phân, phế phẩm. Nền nhà nhớp nháp tiết, nước thải, phân lông là những chiếc xô, chậu lớn cáu bẩn dùng để ngâm, làm sạch những gia cầm, thủy cầm sau khi được giết mổ. Một thùng rác bằng sắt lớn chật căng lượng lông gà, lông chim với khối lượng lớn nằm ngay trên miệng lỗ thoát nước.



Anh Nguyễn Văn Ba, chủ cơ sở kinh doanh gia cầm thừa nhận; gà ở đây được nhập lậu chủ yếu từ Phú Thọ. Tất cả những người tham gia giết mổ ở cơ sở này đều là dân từ các vùng ngoại thành Hà Nội đến làm thuê và chưa được khám sức khỏe như quy định của ngành Y tế.



Bác Nguyễn Bá Thương, một người dân ở gần đó bức xúc; cơ sở này đã hoạt động từ nhiều năm nay và là đầu mối của rất nhiều cơ sở bán lẻ trong thành phố. Từ khi dịch cúm gia cầm xuất hiện và đã có lệnh cấm giết mổ gia cầm trong nội thành, những người dân sống ở gần đó tưởng rằng cơ sở này sẽ nghiêm chỉnh chấp hành luật. Tuy nhiên, họ đã không làm như vậy, mọi hoạt động giết mổ vẫn diễn ra thường xuyên. Mặc dù, tổ dân phố đã một số lần góp ý, đồng thời phản ánh lên phường, nhưng họ vẫn tiếp tục thực hiện công việc này tại chỗ.



Ông Tạ Thành Dương, chủ tịch UBND Phường thì cho biết, cơ sở này đã bị phạt nhiều lần, thậm chí bị thu hồi giấy phép kinh doanh sản phẩm gia cầm, nhưng sau đó lên phường xin lại giấy phép rồi tiếp tục… tái phạm!



Tại nhà E2 tập thể Thành công, đoàn kiểm tra cũng phát hiện một cơ sở giết mổ gia cầm sống. Chủ nhà sau một hồi hục hặc, gây khó khăn với đoàn kiểm tra cũng đã thừa nhận; làm nghề giết mổ gà nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chưa có giấy phép kinh doanh sản phẩm gia cầm.



Quan lơ là, dân coi thường dịch bệnh



Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết; nhằm ngăn ngừa nguy cơ dịch cúm bùng phát cũng như đề phòng vi- rút H5N1 lây sang người, UBND Thành phố đã cấm lưu hành và giết mổ gia cầm sống trong nội thành. Gia cầm làm sẵn cũng phải có dấu kiểm soát của thú y mới được phép lưu hành. Các sản phẩm vi phạm đều phải bị tịch thu và tiêu hủy và trách nhiệm thuộc cơ quan quản lý địa phương. Tuy nhiên có thể thấy, cho đến thời điểm này, ý thức về sự nguy hiểm của dịch cúm gia cầm của nhiều người dân vẫn ở mức thấp. Tại nhiều chợ nhỏ hoặc chợ tạm ở Hà Nội như chợ Trương Định, chợ Phùng Khoang, chợ Thanh Xuân… tình trạng mua bán gia cầm sống vẫn diễn ra rất phổ biến. Những lồng gia cầm sống được cất giấu tại những khu vực khá khuất, khi có người hỏi mua, chủ hàng sẽ dẫn khách đến chọn rồi mổ, làm lông tại chỗ.



Một chị bán gà tại chợ Trương Định tiết lộ; số người có nhu cầu ăn gà “tươi” vẫn rất lớn. Thêm nữa, khá nhiều người thấy xuôi tai trước câu trấn an của những người bán, kiểu như; “có sao thì chúng em “toi” trước, chứ các bác chỉ ăn sẵn, lo gì!”.



Chính sự chủ quan của khá nhiều người mua đã tiếp tay cho những hoạt động buôn lậu và giết mổ gia cầm trái phép tiếp tục tái diễn trong thành phố.



Về vấn đề này, ông Lê Anh Tuấn cho biết: sẽ báo cáo những trường hợp vi phạm lệnh cấm giết mổ gia cầm trong nội thành lên lãnh đạo thành phố, đồng thời đề nghị thành phố có những biện pháp xử phạt thật nghiêm khắc đối với những lãnh đạo xã, phường buông lỏng kiểm soát giết mổ gia cầm sống trên địa bàn mình quản lý. Tuy nhiên, điều quan trong nhất là ý thức đề phòng dịch bệnh của người dân cần nâng cao hơn nữa. Nếu cả ba phía (lãnh đạo địa phương, người bán và người mua) đều chưa nhận thức hết sự nguy hiểm của việc tiêu thụ, giết mổ và sử dụng gia cầm thiếu an toàn thì nguy cơ dịch cúm ở người rất khó tránh khỏi.