00:00 Số lượt truy cập: 2677322

Quản lý cỏ dại tổng hợp cho lúa đông xuân ở ĐBSCL 

Được đăng : 03/11/2016
Cỏ dại là một trong những dịch hại gây hại nghiêm trọng cho lúa ở ĐBSCL. Những loài cỏ phổ biến trên ruộng lúa là cỏ lồng vực, cỏ đuôi phụng, cỏ lác rận, cỏ chác, cỏ cháo, cỏ xà bông, rau mác bao, rau mương…

Theo kết quả nghiên cứu của Dr.Moody (Viện lúa Quốc tế IRRI) thì cỏ dại có thể gây thiệt hại năng suất lúa từ 50-70% nếu không có biện pháp phòng trừ hữu hiệu.

Ngoài ra cỏ dại còn là vật chủ trung gian của rầy nâu, nấm bệnh, là nơi trú ngự lưu tồn của chuột. Vì vậy việc trừ cỏ cho lúa là rất cần thiết để đảm bảo ruộng lúa cho năng suất cao.

Bà con nông dân có thể áp dụng các biện pháp trừ cỏ như sau:

1. Biện pháp canh tác:

Xới hoặc trục nhấn ruộng trước khi nước lên đồng sẽ vùi gốc rạ, lúa chét, cỏ dại xuống bùn, thời gian ngập nước kéo dài sẽ phân hủy hết chất hữu cơ vừa làm tốt đồng ruộng vừa không gây ngộ độc hữu cơ cho lúa. Hiện nay nước đang ngập khá sâu trên đồng ruộng, bà con nông dân tranh thủ trục vơ hết rong cỏ còn sót lại trên đồng. Sau khi rút cạn nước thì dùng thuốc cỏ triệt sinh Glyphosate phun hết cỏ bờ (trước khi xuống giống khoảng 10 ngày), trên ruộng còn gốc cỏ thì vơ gom hết lên bờ. Trước khi sạ giống cần trang, kéo chuối cho mặt ruộng bằng phẳng và làm đất thật kỹ sẽ giúp lúa mọc và phát triển đều.

Cỏ đuôi phụng trên ruộng lúa.
2. Sử dụng giống tốt:

Cần sử dụng các loại giống có độ thuần cao, có sức nảy mầm tốt (trên 90%), sạch hạt cỏ và lúa cỏ. Cây lúa cường tráng sẽ phát triển nhanh, có sức cạnh tranh mạnh, che lấp làm cỏ dại không phát triển được. Trước khi sạ giống cần đánh đường nước cho nước thoát hết và đề phòng những trận mưa lớn sau khi sạ.

3. Phương pháp sử dụng các loại thuốc trừ cỏ

Tuỳ theo điều kiện đồng ruộng mà bà con nông dân có thể sử dụng một trong các loại thuốc sau đây để trừ cỏ cho lúa:

Thứ tự

Tên thuốc

Liều lượng

(lit, kg/ha)

Ngày phun

(NSS)*

Yêu cầu kỹ thuật

1

SOFIT 300 EC

1,2-1,4

1-3

Đất ẩm không đọng vũng

2

MECO 60 EC

1,0-2,0

1-3

Đất ẩm không đọng vũng

3

TOPSHOT 60 OD

2,0

7-15

Đất ẩm không đọng vũng

4

TURBO

0,5

7-10

Đất ẩm không đọng vũng

5

NOMINEE

0,2-0,3

6-10

Đất ẩm không đọng vũng

6

PYAN PLUS

0,5

7-12

Đất ẩm không đọng vũng

7

TILER-S

0,3

9-12

Đất ẩm không đọng vũng

8

SIRIUS 10WP

0,25 kg

6-9

Nước lép xép (2-3 cm)

*NSS = ngày sau khi sạ.

Sau khi phun thuốc 1-2 ngày thì cho nước vào ruộng và luôn tăng dần lượng nước theo chiều cao cây lúa, giữ nước luôn ngập gốc lúa sẽ không cho những hạt cỏ ở dưới mọc được. Khi phun thuốc bà con nông dân nên phun thuốc vào những buổi chiều mát, khô ráo và cần tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng.

Ngoài việc phòng trừ cỏ tốt thì bà con nông dân cũng cần chú ý tới các loại dịch hại khác như rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá…