00:00 Số lượt truy cập: 3235499

Quảng Bình: Diêm dân mừng được mùa muối, buồn bị rớt giá 

Được đăng : 03/11/2016
Nằm dọc dòng sông Loan, ngay dưới chân cầu Ròon, hơn 100 ha ruộng muối là nguồn thu nhập chính cho những diêm dân xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch ( Quảng Bình). Sản lượng hàng năm từ 7 đến 8 ngàn tấn một vụ muối, với giá 600 đến 700 ngàn đồng/tấn đã phần nào giúp diêm dân vượt qua khó khăn và khá giả, thế nhưng với việc giá muối bị rớt như hiện nay khiến nỗi lo tiêu thụ muối của diêm dân ngày càng tăng.


Nghề muối đã có từ lâu ở vùng đất “sông Loan núi Phụng” này. Theo những diêm dân lâu năm trong nghề cho biết, nghề muối bắt đầu cách đây khoảng 50 năm, ban đầu những ô muối lập nên chỉ để giải quyết thiếu muối trong dân nhưng sau đó người dân thấy sinh lợi nên bắt tay vào xây dựng hàng chục hécta ruộng muối để làm ăn. Đến nay, cánh đồng muối hơn 100 ha của xã Quảng Phú được xem là duy nhất và lớn nhất ở tỉnh Quảng Bình.

Nghề muối bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 8, chỉ vỏn vẹn trong 3 tháng hè nhưng muối mà không có nắng thì coi như ruộng hoang. 7 giờ sáng là thời điểm các diêm dân bắt đầu lên ruộng muối tháo nước vào ruộng. Nước được chuyển thẳng từ sông Loan vào ruộng qua những bể chứa nhỏ. Công việc kéo dài khoảng 2 tiếng. Buổi chiều, khoảng 13 giờ các diêm dân lại lên ruộng, dưới cái nắng oi bức, người dân đóng nước để giang thành muối. Nắng nóng, hơi nước muối bốc lên, sau khoảng 2 tiếng đồng hồ muối bắt đầu kết tinh, đây cũng là thời điểm diêm dân tiến hành cào muối tấp thành từng đống và chờ tiêu thụ. Với nước da ngăm đen, nhợt nhạt của hơi muối, anh Lê Văn Thường, thôn Phú Lộc 4, xã Quảng Phú cho biết, công việc nhìn qua thì ai cũng nói vất vả nhưng nó chỉ vất vả với những người mới làm, còn chúng tôi thì đã quá quen thuộc rồi. Nhìn chung thì làm 3 tháng cũng đủ để gia đình chi tiêu cho cả năm. Nhưng năm nay giá thấp mà tư thương lại hay ép giá nên nhiều khi cũng cắn răng mà bán.

Làm muối cũng tùy vào mùa vụ, một vụ mùa bội thu thì điều cần thiết của người dân đó là nắng to. Cái nắng quyết định đến sản lượng và chất lượng của muối. Muối thiếu nắng thì hạt nhỏ và độ săn chắc không cao. Khổ nhất là những hôm đang làm dang dỡ thì ông trời bỗng dưng đổ mưa. Vậy là những giọt mồ hôi công sức cả ngày của diêm dân trôi ra sông, ra biển hết.

Bước đầu để đầu tư cho những ô ruộng muối cũng tương đối tốn kém, từ hệ thống cấp thoát nước, kênh mương, đê bao, ô nại đến ô kết tinh cũng tốn kém không ít. Ông Phạm Đình Dỉu, Chủ tịch xã Quảng Phú - cũng là một trong những diêm dân lâu năm và có diện tích ruộng muối lớn nhất xã, cho biết: Làm muối là một công việc tương đối cực nhọc. Bước đầu để đầu tư cho một ha ruộng muối tốn khoảng 200 triệu đồng/ha, sau 5 năm xây dựng lại một lần. Như vậy, nếu tính sản lượng muối hàng năm 75 tấn/ha/mùa, bán với giá từ 600 – 700 ngàn đồng/tấn như hiện nay thì chúng tôi vẫn thu lãi từ 80 – 100 triệu/ha/mùa. Nhưng hiện nay, với chính sách nhập khẩu muối của nhà nước nên nhiều thương buôn tích trử muối quá nhiều, khiến công việc bán muối của diêm dân cũng khó. Nhiều hôm, tư thương đầy hàng không về nên muối lại nằm trên ruộng qua ngày, nhiều người không khỏi lo âu. Những tư thương ở Ba Đồn (Quảng Trạch, Quảng Bình) chuyên mua muối trên cánh đồng xã Quảng Phú, cứ chiều chiều lại đánh xe ra tận ruộng muối để nhập. Tuy nhiên những lúc hàng ứ đọng lại nhiều, giá cả có phần bất ổn là họ lại vài ba ngày ra một lần khiến ruột gan của diêm dân như lửa đốt và lo lắng không nhập được muối, lúc đó giá muối được các thương buôn tùy chỉnh.

Hiện nay, toàn xã Quảng Phú có 8 thôn, trong đó có 4 thôn (Phú Lộc 1, Phú Lộc 2, Phú Lộc 3, Phú Lộc 4) với hơn 430 hộ, hơn 800 lao động làm muối. Trước đây cũng lắm người làm nhưng rồi lao đao lận đận thế nào mà mọi người dần dần bỏ đi hết. Có lúc họ chuyển đổi sang nuôi tôm nhưng rồi lại thất bại. Những người còn trụ vững như hôm nay cũng đã cố gắng và qua nhiều khó khăn mới có kết qủa tốt. Nhiều gia đình đã làm giàu từ muối, ngoài ông Chủ tịch xã còn có gia đình anh Lê Văn Thường; Lê Văn Thư; Nguyễn Văn Thi; Lê Công Thí… họ đều làm trên 1 ha ruộng muối. Rất nhiều gia đình trong xã nuôi các con ăn học thành tài từ lợi nhuận của cánh đồng muối. Gia đình anh Lê Công Thí, Phú Lộc 4, đang có 2 đứa con học đại học, 2 đứa đang học sinh từ những ô ruộng muối.

Khổ là thế, khó khăn là thế nhưng diêm dân coi nghề muối là nghề thu nhập chính của mình. Mong ngày ngày cứ nắng to để đặt chân lên đồng; mong giá muối luôn ổn định và xứng đáng với mồ hôi công sức đã bỏ ra; Mong thu nhập đều để xây dựng, ổn định cuộc sống và tương lai cho các con..../.