Sau dịp Tết nguyên đán Kỷ Sửu, theo chân chị Nguyễn Thị Hảo, Chủ tịch UBMT Tổ quốc xã Vạn Ninh, chúng tôi đã có dịp đến tham quan các mô hình trồng nén cho thu nhập cao tại các hộ gia đình ở vùng đồi xã Vạn Ninh.
Vừa dẫn chúng tôi đi thăm các mô hình trồng nén, chị Nguyễn Thị Hảo cho chúng tôi biết: Vùng đất đồi thuộc xã Vạn Ninh có diện tích khá rộng, nhưng đa số lại bạc màu, rất khó trồng trọt. Từ lâu, người nông dân Vạn Ninh đã từng có nghề trồng nén, tuy mang tính tự phát nhỏ lẻ theo hộ gia đình, nhưng hiệu quả bước đầu đạt được khá cao. Giống nén được trồng ở đây đều do người Vạn Ninh tự sản xuất, cất giữ và truyền lại từ nhiều đời nay, kỹ thuật trồng nén cũng do họ tự nghĩ ra, nhưng củ nén do người Vạn Ninh trồng ra đều có củ to bằng củ hành, hầu như chưa có nơi nào tại Quảng Bình trồng được nén có củ to như thế.
Chúng tôi được đến thăm vườn nén của gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Hoa, người có thời gian trồng nén gần được 10 năm và cũng là một mô hình chỉ đạo thành công của Uỷ ban Măt trận huyện năm 2008. Theo chị Hoa cho biết, để có đất trồng được nén từ vùng đất đồi bạc màu, việc đầu tiên là người nông dân phải đầu tư cải tạo đất. Đất sau khi được cày xới, người ta phải cho trộn rất nhiều phân chuồng, đất mùn để làm cho đất tơi xốp. Sau khâu làm đất và gieo hạt, để giữ độ ẩm cho đất và tạo bóng râm cho nén dưới thời tiết khắc nghiệt, đồng thời tạo mùn cho đất, người ta thường lấy các loại lá cây tươi như cây sim me chặt từ trên rừng hay rơm khô ủ lên các luống nén.
Để các mô hình chỉ đạo trồng nén cho thu nhập cao ở Vạn Ninh thực sự phát huy hiệu quả, sau khi xây dựng kế hoạch thực hiện, Mặt trận xã đã phối hợp với cán bộ làm công tác khuyến nông xã xuống khảo sát thực địa và hướng dẫn các hộ gia đình được chọn xây dựng mô hình các kỹ thụât cải tạo đất để chuẩn bị trồng nén. Khác với giống nén do các hộ gia đình tự trồng, nén dùng để thực hiện mô hình cho dù được lấy từ nguồn dự trữ trong các hộ gia đình, nhưng lại được cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn khá kỹ càng việc lựa chọn, nên tỷ lệ sống là rất cao. Ngoài ra các khâu như chăm sóc, bón phân cho nén đều được cán bộ Mặt trận và khuyến nông xã hướng dẫn, tư vấn tận tình. Nhờ đó, nén ở trên 3 ha đất đồi trồng thử nghiệm do Mặt trận huyện chỉ đạo đều đạt năng suất, chất lượng cao, nếu như nén trên thị trường thường chỉ được mua với giá 5 ngàn đồng/lon, thì nén trồng ở vùng đất đồi Vạn Ninh được bán với giá 7 – 8 ngàn đồng/lon, bình quân 01 ha có thể cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Tuy nhiên có một điều mà người trồng nén ở Vạn Ninh cũng chưa thể lý giải được, cho dù cùng một loại giống nén do người Vạn Ninh tạo ra, nhưng nếu mang đi trồng nơi khác ngoài vùng đất đồi Vạn Ninh, thì năng suất và chất lượng củ nén cũng bình thường như được trồng ở nơi khác.
Từ hiệu quả bước đầu của các mô hình chỉ đạo điểm trồng nén cho thu nhập cao trong năm 2008, năm 2009, Mặt trận xã đã phối hợp với Khuyến nông xã đã tiếp tục chỉ đạo mô hình trồng nén cho thu nhập cao trên 5 ha (tăng 02 ha so với năm 2008).
Được sự quan tâm của Uỷ ban Mặt trận và Khuyến nông xã Vạn Ninh, hy vọng rằng, trong thời gian tới diện tích trồng nén ở vùng đồi Vạn Ninh sẽ tiếp tục được mở rộng, góp phần giúp người nông dân Vạn Ninh xoá đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu trên chính vùng đất đồi vốn bạc màu bị bỏ hoang từ nhiều đời nay. Nếu được sự quan tâm của Trạm Khuyến nông Quảng Ninh và Trung tâm Khuyến nông Quảng Bình, chắc chắn rằng một ngày không xa nữa, cây nén trên vùng đồi Vạn Ninh sẽ thực sự có thương hiệu trên thị trường và được nhiều nơi biết đến.