Mô hình lúa - cá Một số địa phương như Lệ Thủy, Quảng Ninh đã áp dụng thành công công thức trồng 2 vụ lúa kết hợp nuôi vịt hoặc 2 vụ lúa kết hợp nuôi cá thương phẩm, tăng thu từ 20-30 triệu đồng/ha so với canh tác 2 vụ lúa trước đây. Mô hình lúa - cá đang phát huy hiệu quả ở huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh, cho thu trên 50 triệu đồng/ha. Ông Võ Sỹ Hải (xã Dương Thủy - Lệ Thủy) cho biết: “Gia đình có 4 mẫu ruộng (2 ha), trước đây chỉ làm 2 vụ, giá trị đạt từ 35-40 triệu đồng /ha/năm. Có chủ trương thâm canh tăng vụ, nên gia đình làm thêm lột vụ lúa tái sinh và thả thêm 1,5 vạn cá giống dưới chân ruộng theo hình thức lúa - cá. Nhờ vậy, giá trị thu nhập trên đồng ruộng đạt khoảng 80 triệu đồng/năm...”. Xã Vĩnh Ninh (Quảng Ninh) là một địa phương thuần nông, đa số người nông dân chỉ làm 2 vụ lúa nước nên hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi thực hiện mô hình lúa - cá kết hợp chăn nuôi đã thực sự phát huy hiệu quả. Nếu trước năm 2001, cả xã chưa có mô hình lúa cá kết hợp nào, thì đến đầu năm 2009, đã có gần 20 mô hình kinh tế này. Trong đó, có mô hình của các ông Lê Dũng, Trần Văn Túc, Trần Văn Hiền, Nguyễn Hồng Thái, Trần Văn Sơn, Bùi Mạnh An, Nguyễn Văn Luân... thu lãi trên 60 triệu đồng/năm. Hoặc ở xã Võ Ninh (Quảng Ninh), bà con đã chuyển đổi đất trồng lúa năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản. Hiện tại, Võ Ninh cũng là địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản cao nhất huyện với 83 ha trong đó có 40 ha nước lợ và 43 ha nước ngọt thu hút 700 hộ tham gia nuôi. Sản lượng nuôi trồng hàng năm đạt 200 tấn, trong đó tôm nước lợ 70 tấn. Giá trị mang lại trên 10 tỷ đồng. Những năm trước do thiếu kinh nghiệm, chạy theo phong trào nên nuôi trồng thủy sản ở Võ Ninh nói riêng và Quảng Ninh nói chung được ví như "đánh bạc với trời” nhưng nay thì không. Nhiều hộ gia đình tham gia nuôi trồng khẳng định nuôi tôm trong thời gian 4 tháng tính ra cứ một ha mặt nước sẽ cho thu từ 100 - 150 triệu đồng, trừ chi phí, lãi từ 50 triệu đồng trở lên. Trồng rau sạch Xã Võ Ninh còn có nhiều mô hình trồng rau sạch có thu nhập cao. Người nông dân ở đây đưa ra một công thức canh tác là 3r + n (ruộng - rau - rượu + nuôi trồng thủy sản). Mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao, gấp chục lần trồng lúa. Cụ thể qua 3 năm thực hiện trồng rau sạch toàn xã có có 110 hộ tham gia, mỗi hộ thu từ 100-120 triệu đồng/ha. Tiến sỹ Trần Văn Tuân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Bình: “Mục tiêu mà ngành nông nghiệp đề ra đến năm 2010 toàn tỉnh có 10.000 ha đạt giá trị sản xuất trên 50 triệu đồng/ha/năm, chiếm 15% tổng diện tích canh tác. Kết quả niên vụ sản xuất năm 2009 toàn tỉnh có khoảng 7.500 ha đất sản xuất nông nghiệp (trồng lúa, cây ngắn ngày, nuôi trồng thủy sản, cây công nghiệp...) đạt mức thu trên 50 triệu đồng/ha trở lên. Trong năm nay ngành nông nghiệp tỉnh phấn đấu hết sức quyết liệt để có thêm được 2.500 ha đạt mức thu 50 triệu đồng/ha trở lên...”. Mới đây chúng tôi có dịp về thăm xã Hồng Thủy (Lệ Thủy), một xã vùng cát tạo được sự phát triển kinh tế nông nghiệp khá tốt. Ngoài việc trồng lúa 2 vụ, nông dân Hồng Thủy tích cực đầu tư phát triển rau xanh. Mô hình trồng rau sạch được áp dụng tại xã Hồng Thủy từ đầu năm đến nay đã cho thu hoạch cao và ổn định cho nông dân. Hiện tại, xã Hồng Thủy có gần 60 ha đất được chuyển đổi sang thực hiện mô hình trồng rau màu. Dự kiến trong vụ tới, Hồng Thủy sẽ nhân rộng mô hình trồng rau sạch lên 100 ha và đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, phấn đấu nâng giá trị đạt 60 triệu đồng/ha. | |