00:00 Số lượt truy cập: 2691715

Quảng Nam: Chữa bệnh tai xanh cho heo chỉ 30.000 đồng 

Được đăng : 03/11/2016

Được thú y cơ sở tư vấn, 10 hộ dân xã Bình Triều (Quảng Nam) đã chữa cho heo khỏi bệnh tai xanh, chi phí chỉ 30.000 - 120.000 đồng/con.


Ngày 22/7, Trạm Thú y huyện Thăng Bình - địa phương có heo nhiễm dịch “tai xanh” chiếm một nửa toàn tỉnh Quảng Nam (khoảng 10.000 con) - cho hay, 10 hộ chăn nuôi ở xã Bình Triều với sự tư vấn của thú y cơ sở đã điều trị cho heo nhà khỏi bệnh tai xanh, với chi phí chỉ từ 30.000 - 120.000 đồng/con.

Ông Thuỷ Ngọc Sơn, cán bộ thú y Thăng Bình xác nhận, đã có khoảng 300 con heo nhiễm dịch “tai xanh” được điều trị khỏi trong vòng 3 - 7 ngày với các loại thuốc như Lincosep tryl, Tylo-D.C, Genta- Tylodex, ND.Quino… Đây là các loại thuốc trị bệnh cho gia súc được sản xuất trong nước, giá bán thấp. Thông tin này đang là niềm hy vọngcho nhiều hộ dân và cả ngành chăn nuôi heo QuảngNam.

Thêm 5 huyện bùng phát dịch heo tai xanh

Chi cục Thú y Quảng Nam cho biết, tính đến chiều 22/7, dịch heo tai xanh đã gây hại tại 67 xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. 

Như vậy chỉ trong vòng hơn 3 ngày, dịch tai xanh đã bùng phát và lây lan trên diện rộng, đã có thêm 5 huyện có dịch. Thống kê ban đầu, số heo nhiễm bệnh và chết đã lên đến 27.146 con, ước tính thiệt hại khoảng 30 tỷ đồng.

Ngoài một tổ công tác với gần 10 cán bộ, chiến sĩ được tăng cường túc trực 24/24h tại Trạm Kiểm dịch động vật Dốc Sỏi (Tam Nghĩa, Núi Thành), lực lượng liên ngành của tỉnh cũng đã lập đội kiểm tra lưu động, thường xuyên tuần tra, kiểm soát trên quốc lộ 1A, 14D và nhiều tuyến giao thông huyết mạch khác để phát hiện kịp thời và xử lý mạnh tay các trường hợp vi phạm.

 

Bắt đầu từ ngày 19/7 đến nay, lực lượng liên ngành đã chặn bắt và tiêu huỷ gần 600 con heo bệnh do các thương lái vận chuyển từ những vùng dịch ra, tập kết tại nhiều điểm để đưa vào các tỉnh, thành phía Nam tiêu thụ...

 

Hiện tại ngành chức năng tại các địa phương ở Bắc Trà My, Hiệp Đức, Đại Lộc đã lập tức tổ chức tiêu huỷ bắt buộc toàn bộ số heo nhiễm bệnh và chết.

 

Tuy nhiên, đến cuối giờ chiều ngày 20/7 (tức là đã 2 ngày sau khi có lệnh của Chủ tịch UBND tỉnh), lực lượng chức năng của huyện Tiên Phước mới chỉ tiêu huỷ được 10/37 con heo bị nhiễm bệnh... Và tại nhiều chợ trên địa bàn các huyện vẫn bày bán thịt heo tràn lan, không hề thấy bóng dáng của lực lượng liên ngành. Chỉ riêng sáng thứ 7 (21/7) lực lượng liên ngành của tỉnh đã tịch thu và tiêu huỷ hàng chục kg thịt heo tại chợ Tam Kỳ.

 

Trên nhiều tuyến đường tại các huyện dịch mới vừa bùng phát, hàng chục lái buôn đang rình rập để “rinh” heo bệnh đưa đi tiêu thụ.

 

Đáng quan tâm, là dịch bệnh bùng phát theo tốc độ “phi mã”, nhưng chính quyền địa phương các cấp tại các huyện dịch vừa bùng phát vẫn còn khá lơ là và chủ quan. Một cán bộ lãnh đạo tại huyện Tiên Phước cho rằng không có kinh phí, nên việc triển khai chống dịch gặp nhiều khó khăn.

Trước tình hình này, UBND tỉnh Quảng Nam vừa có công văn đề nghị Chính phủ hỗ trợ 10,2 tỷ đồng để phòng chống dập dịch và tái đàn sau khi hết dịch. Trong đó, tỉnh đề nghị hỗ trợ 2,5 tỷ đồng thuốc điều trị; 3,1 tỷ đồng hỗ trợ người chăn nuôi có lợn dịch bệnh phải tiêu huỷ (10.000đồng/kg); 350 triệu đồng hỗ trợ công tác tiêu huỷ (7.000con) và 4,2 tỷ đồng hỗ trợ lợn giống để tái đàn cho các hộ nghèo. 

Theo Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Nam Nguyễn Thanh Quang, dịch bệnh heo “tai xanh” vẫn đang phát tán mạnh mẽ, chưa thể khống chế. Đàn heo trên 600.000 con của tỉnh đang bị đe dọa nghiêm trọng. Người chăn nuôi sẽ tiếp tục bị thiệt hại nặng nề. Phải mất ít nhất 4 năm, Quảng Nam mới có thể gây dựng lại được đàn heo như trước khi dịch bệnh “tai xanh” xảy ra.