7 năm trở lại đây, bên cạnh nguồn vốn tự có, nông dân Đại Lộc, Tỉnh Quảng Nam đã mạnh dạn vay hàng trăm tỷ đồng để tập trung đầu tư phát triển mạnh ngành chăn nuôi theo hướng hàng hóa và bền vững. Nhờ hướng đi này mà nhiều gia đình đã thực sự thoát nghèo và vươn lên làm giàu…
Từ năm 2001, cùng với những chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh, huyện Đại Lộc đã có rất nhiều cơ chế “thoáng” nhằm giúp nông dân được vay ưu đãi các nguồn vốn khác nhau để tập trung đầu tư mạnh cho chăn nuôi, đưa lĩnh vực này trở thành hướng phát triển kinh tế mũi nhọn trong nông nghiệp. Nhờ vậy, những năm qua nông dân Đại Lộc đã xây dựng được hàng trăm mô hình chăn nuôi với quy mô lớn, tạo ra những sản phẩm hàng hóa cho hiệu quả kinh tế cao…
Đầu năm 2003, vợ chồng ông Đỗ Văn Dũng (thôn Quảng Huế, xã Đại An) được vay không lãi suất 15 triệu đồng cùng với ít tiền tích cóp bấy lâu, ông quyết định lên xã Đại Chánh thuê 15ha đất đầu tư phát triển trang trại chăn nuôi bò theo hướng thâm canh. Với diện tích này, ông Dũng dành một phần nhỏ xây dựng chuồng trại, còn lại trồng cỏ nguyên liệu để chủ động nguồn thức ăn cho bò. Chú trọng công tác tiêm phòng, vệ sinh thú y, 5 năm qua, đàn bò gần 30 con (trong đó hơn 2/3 là nái lai sind) của ông Dũng chưa một lần bị dịch bệnh. Theo ông Dũng, mặc dù giá cả thị trường có biến động nhưng bình quân mỗi năm ông thu không dưới 90 triệu đồng từ tiền bán bò con. Ông Dũng phấn khởi: “Nhờ đàn bò ni mà vợ chồng tôi đã dứt ra khỏi cái nghèo bao năm đeo bám dai dẳng, làm được nhà cửa khang trang, nuôi con cái ăn học đàng hoàng”...
Không chỉ ông Dũng trả lại “sổ nghèo”, thời gian qua, cả nghìn hộ chăn nuôi trên địa bàn Đại Lộc cũng đã có cuộc sống đủ đầy hơn nhờ tập trung mọi nguồn lực đầu tư chăn nuôi bò. Ông Đinh Văn Quang - Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết, không kể hàng trăm gia đình nuôi nhỏ lẻ mỗi hộ 5-7 con, đến nay, Đại Lộc có ít nhất 40 trang trại nuôi bò thâm canh với quy mô 15-35 con/mô hình, tập trung nhiều nhất ở Đại Nghĩa, Đại Cường, Đại Thắng. Theo ông Quang, ngoài việc xây dựng chuồng trại kiên cố để tránh bị ngập lụt và rét lạnh vào mùa mưa lũ cho bò, mấy năm gần đây nông dân trong huyện đã tập trung khai hoang, cải tạo rất nhiều diện tích đất vườn tạp để hình thành những vùng cỏ chuyên canh. Nếu giữa năm 2002 toàn huyện chỉ có vài ha cỏ voi thì đến đầu tháng 10-2008 con số ấy đã là 140ha. Đặc biệt, nhờ mạnh dạn đưa những giống bò chất lượng cao vào sản xuất, ứng dụng hiệu quả kỹ thuật phối giống bằng thụ tinh nhân tạo, tổng đàn bò của Đại Lộc tăng lên rất nhanh, thời điểm này khoảng 21 nghìn con (tăng 4 nghìn con so với cuối năm 2003), trong đó tỷ lệ bò lai và bò có nhóm máu lai chiếm gần 57% (đầu năm 2004 tỷ lệ này chỉ dưới 30%)…
Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, ông Phan Đức Tính cho biết, từ năm 2004 đến nay, nông dân trong huyện đã chú trọng đến việc đầu tư phát triển mạnh các mô hình chăn nuôi heo hướng nạc; không ít gia đình bỏ ra hàng trăm triệu đồng để xây dựng trang trại và có mức thu nhập bình quân mỗi năm 200-300 triệu đồng. Điển hình như anh Phạm Văn Ảnh (thôn Đông Lâm, xã Đại Quang) với 20 con heo nái ngoại, 1 năm sinh sản 2 lứa, mỗi lứa 160 con heo con, mỗi năm ông Ảnh thu không dưới 250 triệu đồng. Không chỉ có ông Ảnh, cũng với tổng đàn 20 con nái ngoại, toàn bộ số heo con đẻ ra đều để lại nuôi thịt, nhờ áp dụng hiệu quả quy trình chăn nuôi khép kín, 4 năm qua, bình quân mỗi năm ông Lê Công Nhược (thôn Phú Thuận, xã Đại Thắng) thu về 220-270 triệu đồng. Hai trường hợp nêu trên không phải là cá biệt, ở Đại Lộc còn rất nhiều gia đình đổi đời nhờ phát triển chăn nuôi heo thịt theo hướng trang trại…
Không chỉ bò và heo, mô hình chăn nuôi gia cầm với quy mô lớn cũng đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế rất cao cho nông dân Đại Lộc. Năm 2005, ông Phạm Duy và Nguyễn Văn Ra (cùng ở thị trấn Ái Nghĩa) rủ nhau lên xã Đại Tân thuê vài ha đất để xây dựng 2 trang trại nuôi gà chuyên trứng Goldline. Với số lượng thả nuôi 6-7 nghìn con/trang trại, trừ mọi chi phí, bình quân 1 năm mỗi người lãi ròng hơn 300 triệu đồng. Tại xã Đại Nghĩa, 3 năm qua, với đàn gà siêu trứng gần 2 nghìn con của mình, mỗi năm ông Trương Hồng cũng có mức thu nhập hơn 100 triệu đồng. Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành nông nghiệp Đại Lộc, tính đến cuối tháng 9-2008 toàn huyện đã có 130 nghìn con gà chuyên trứng được thả nuôi tập trung ở 40 trang trại vừa và lớn, nhiều nhất là tại Đại Nghĩa, Đại Quang, Đại Tân...
Đặc biệt 2 năm gần đây, nhiều hộ trong huyện đã đầu tư xây dựng trang trại nuôi heo rừng lai thương phẩm. Cuối năm 2007, ông Từ Long (thôn Lâm Tây, xã Đại Đồng) bỏ ra cả trăm triệu đồng mua về thả nuôi 40 con giống; qua theo dõi, ông Long cho biết đàn heo rừng lai này phát triển rất nhanh, khoảng vài tháng nữa là bắt đầu sinh sản. Ông Long tính toán, với tổng đàn nái vừa nêu, từ năm 2009 trở về sau, mỗi năm ông sẽ có 600 con heo rừng con, nếu để hết lại nuôi thịt thì số tiền thu về sẽ không dưới 400 triệu đồng. Đàn heo rừng lai 50 con của ông Phan Văn Tám (thôn Thuận Mỹ, xã Đại Phong) cũng đang sinh trưởng và phát triển rất tốt, hứa hẹn sẽ đem lại cho ông Tám một nguồn thu nhập cao.
Có thể khẳng định, đầu tư phát triển mạnh ngành chăn nuôi để tạo ra những sản phẩm hàng hóa chất lượng, nâng cao hiệu quả kinh tế, xóa bỏ đói nghèo, vươn lên làm giàu là hướng đi hoàn toàn đúng mà 7 năm qua nông dân Đại Lộc đã lựa chọn…