00:00 Số lượt truy cập: 3234472

Quảng Nam: Nuôi thủy sản nước ngọt - Làm lại sau lũ 

Được đăng : 03/11/2016

Sau đợt bão lũ số 9, nhiều diện tích nuôi cá nước ngọt trên toàn tỉnh Quảng Nam bị mất trắng. Tuy nhiên, “lối thoát” cho vụ mùa kế tiếp lại rất nan giải khi nhiều nông dân đang thiếu vốn đầu tư và nguy cơ bị thiệt hại do thiên tai còn tái diễn bởi công trình ao nuôi còn sơ sài.


Đi theo cơn lũ

Ba năm qua, ông Trương Quốc Tú (thôn Đông Phú, xã Đại Hiệp, Đại Lộc) đều đặn thu nhập 70 triệu đồng/năm từ nghề nuôi cá nước ngọt. Đây là khoản thu chính để trang trải cho gia đình và lo cho ba đứa con học đại học. Trước đợt lũ vừa qua, ông Tú thả 5 nghìn con cá lóc giống vào ao nuôi với diện tích rộng 200m2. Sau gần bốn tháng chăm sóc, trọng lượng mỗi con cá lóc trung bình từ 0,3 - 0,4 kg. Trong khi sắp sửa cầm chắc trong tay hơn 40 triệu đồng trong vụ cá này thì nước lũ về. “Ai ngờ trời không cho ăn. Lụt năm nay cao quá. Cá bắt đầu nhảy ra, đi theo nước lũ. Ai nghĩ nước lụt cao đến như vậy nên tôi trở tay không kịp” - ông Tú nuối tiếc.

Điện Bàn cũng là địa phương có nhiều ao nuôi thủy sản nước ngọt chịu thiệt hại trong đợt lũ do bão số 9. Riêng xã Điện Hòa có đến 29ha ao nuôi bị ngập với sản lượng cá trôi là 80 tấn. Ông Phan Văn Du (thôn Quang Huyện, xã Điện Hòa) thả nuôi hơn 40kg cá giống (cá mè, cá trôi, cá chép) trong 9 tháng. Lũ ập đến, nước băng mặt hồ, khiến 2 tấn cá có giá gần 50 triệu đồng trôi theo dòng nước. "Vụ cá này, nếu không mất thì tôi đã có 20 triệu đồng để trả nợ vay ngân hàng. Vụ vừa rồi cá mất, tôi chạy ra ngân hàng, gia hạn nợ được một năm. “Sổ đỏ” tôi thế chấp để vay đợt trước rồi, giờ vay tiếp họ không cho. Tôi chỉ còn biết vay mượn bà con, anh em mỗi người một ít để nuôi vụ kế tiếp, mong vớt vát được vài phần đã mất” - ông Du cho biết.

Làm lại từ đầu

Ông Trần Quốc Khánh - Trưởng phòng NN&PTNT Đại Lộc cho biết, giải pháp lâu dài là quy hoạch vùng nuôi thủy sản, chấm dứt việc thả nuôi tự phát như hiện nay. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp huyện cũng đang cho nuôi thử nghiệm cá tra, tôm càng xanh, cá rô đồng tại hai xã Đại Hiệp và Đại Tân. Bởi hiện nay hầu hết nông dân đều tập trung thả nuôi các giống cá rô phi, cá trắm cỏ, chép trắng… không cho hiệu quả cao trên vùng đất Đại Lộc. Ngoài ra, theo đề xuất của ông Khánh, trong thời gian đến ngành chức năng cần khuyến khích các doanh nghiệp trực tiếp tham gia nuôi thủy sản hoặc đóng vai trò là bà đỡ cho nông dân về kỹ thuật, vốn, tiêu thụ sản phẩm... Như vậy hiệu quả mang lại sẽ lớn hơn.Lũ rút cũng là lúc hàng trăm nông dân nuôi thủy sản nước ngọt tính toán thiệt hại, tìm đường cho vụ nuôi tiếp theo. Nhưng, nguồn vốn để tiếp tục đầu tư đang là nỗi lo trước mắt. Ông Huỳnh Văn Khải - Chủ tịch UBND xã Đại Tân cho rằng, nguyên nhân chính làm nhiều ao nuôi thủy sản ở địa phương thiệt hại là nước lũ dâng ở mức cao và rất đột ngột khiến người nuôi mất cảnh giác. Vì vậy, cũng theo lời ông Khải, ngoài việc kiến nghị với ngân hàng cho gia hạn nợ, đồng thời tiếp tục cho vay với lãi suất thấp để người dân có vốn tiếp tục với vụ nuôi mới thì địa phương còn khuyến cáo nông dân nên thả nuôi theo thời vụ đối với những diện tích ở vùng trũng. Đối với các hồ xây gạch thì tập trung gia cố chống thấm, nâng cao miệng hồ so với mực nước lũ vừa qua. Đối với hồ đất tự nhiên, các hộ tập trung gia cố đê bao, nâng cao bờ bao...

Theo thống kê của Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam, đợt mưa lũ vừa qua toàn tỉnh có 186ha ao nuôi bị ngập nước, ước sản lượng thủy sản bị trôi 489 tấn với tổng trị giá hơn 8 tỷ đồng. Trong đó Điện Bàn và Đại Lộc là hai huyện bị thiệt hại lớn (Điện Bàn có 95ha bị ngập nước với 286 tấn thủy sản bị cuốn trôi; Đại Lộc 40ha bị ngập với 74,7 tấn thủy sản bị cuốn trôi).

Hỗ trợ kinh phí và hóa chất cho nông dân

Ông Ngô Tấn - Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam: “Để khắc phục hậu quả, ổn định, phát triển nghề nuôi thủy sản trong thời gian đến, chi cục đang đề xuất Bộ NN&PTNT, Cục Nuôi trồng thủy sản xem xét, hỗ trợ một phần kinh phí, hóa chất cho người dân cải tạo môi trường ao nuôi. Đồng thời về lâu dài Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ, khắc phục hậu quả do thiên tai đối với nghề nuôi trồng thủy sản.

Chi cục cũng khuyến cáo người dân nuôi một vụ ăn chắc, mua giống nuôi phải rõ nguồn gốc; giống mua ngoại tỉnh phải được lưu giữ tại các trại giống trên địa bàn tỉnh ít nhất 15 ngày trước khi mua về nuôi để con giống có thời gian hình thành khả năng thích nghi với môi trường nước và khí hậu của tỉnh".