Trước tình trạng giống heo đen bản địa ngày càng có nguy cơ tuyệt chủng và dịch bệnh tai xanh diễn biến phức tạp, tháng 2-2009, huyện Phước Sơn (Quảng Nam) đã triển khai đề tài ứng dụng quy trình phục tráng giống heo này. Qua hơn 2 năm thực hiện, bước đầu mô hình này đã cho những kết quả đáng mừng.
Toàn huyện Phước Sơn còn khoảng gần 1.000 con heo đen, chủ yếu ở các xã Phước Năng, Phước Công, Phước Lộc. Trong vài năm trở lại đây, khi phát hiện giống heo đen bản địa có tỷ lệ nạc cao, thịt đạt chất lượng, nhiều thương lái ở đồng bằng đã đặt hàng cho một số hộ nông dân, mua giá cao gấp 1,5 - 2 lần so với giá heo bình thường. Tuy nhiên nguồn cung vẫn khan hiếm.
Trong khi đó, do không chú trọng đến công tác khôi phục phát triển nên đàn heo đen tại địa phương ngày càng giảm dần và có nguy cơ tiệt chủng. Trước thực tế này, ngành chăn nuôi ở Phước Sơn quyết tâm phải phục tráng giống heo này. Theo ông Ông Văn Hường - chủ nhiệm đề tài phục tráng giống heo đen bản địa, đây là một việc làm có ý nghĩa thiết thực, góp phần bảo tồn một loài vật đặc trưng của người Bhnoong.
Gia đình bà Ma Thị Sen và gia đình ông Nguyễn Văn Lương (thị trấn Khâm Đức, Phước Sơn) được chọn nuôi heo đen thí điểm. Tuy đây là 2 hộ nông dân có nhiều kinh nghiệm chăn nuôi trên địa bàn thị trấn Khâm Đức, song khi nhận thực hiện thí điểm mô hình này, họ cũng không khỏi băn khoăn. Ông Lương cho biết: “Lâu nay heo đen chỉ thích hợp sống thả rông ở vùng núi cao, ít thấy được nuôi ở địa bàn thị trấn. Dù đã nhiều năm gắn bó với cách nuôi heo thông thường nhưng khi đảm nhận nuôi heo đen bản địa, gia đình tôi rất lo.
Nếu lỡ xảy ra sự cố gì cho 2 con heo nái, không những không hoàn thành đề tài mà còn có lỗi với người Bhnoong ở huyện nữa. May là các anh ở Trạm kỹ thuật dịch vụ nông nghiệp huyện thường xuyên bám sát, hướng dẫn các quy trình nuôi nên gia đình tôi cũng yên tâm”. Còn theo bà Sen, qua gần 2 năm nuôi giống heo đen bản địa, điều mà bà thích nhất là giống heo này rất tạp ăn những phụ phẩm trong nông nghiệp như sắn, bắp, cỏ.
Thức ăn không phải mất thời gian nấu chín, cứ bằm nhỏ thả vào trại là heo ăn ngay. Ngoài ra, heo đen lại mắn đẻ. Chỉ gần 2 năm mà 2 con heo nái đã cho gần 50 con heo giống. “Thời gian từ 3 - 5 tháng, mỗi lứa heo xuất chuồng cho thu nhập không dưới 8 triệu đồng. Đối với người nông dân, chi phí chăn nuôi thấp, không lo dịch bệnh, thu nhập cao thì mô hình phục tráng giống heo đen thật sự đem lại hiệu quả” bà Sen nói.
Nhớ lại thời điểm năm 2009, trên địa bàn tỉnh xuất hiện dịch heo tai xanh, rồi lây lan đến huyện Phước Sơn. Lúc đó, cán bộ Trạm kỹ thuật dịch vụ nông nghiệp Phước Sơn “đứng ngồi không yên”. Họ lo đề tài không hoàn thành vì đàn heo có thể bị dịch bệnh tấn công bất cứ lúc nào. Thế nhưng khi nhiều trang trại nuôi heo thịt ở huyện xuất hiện dịch, buộc tiêu hủy thì đàn heo đen ở gia đình ông Lương và bà Sen vẫn khỏe mạnh, mau ăn chóng lớn... Ông Hường cho biết: “Đàn heo đen bản địa vốn đã quen với khí hậu, thổ nhưỡng ở Phước Sơn, thường được thả rông, tạp ăn và có sức đề kháng cao nên có khả năng chống chịu được với các loại dịch bệnh thông thường như tụ huyết trùng, lỡ mồm long móng, tiêu chảy và cả dịch tai xanh. Ngoài ra còn phải nói đến công tác phòng dịch cho đàn heo đen cũng được huyện đặc biệt chú trọng nên kết quả bước đầu của đề tài này rất tốt”.
Với nguồn kinh phí hỗ trợ hơn 50 triệu đồng, trong năm 2009, ngoài việc chọn nuôi thí điểm ở gia đình ông Lương và bà Sen, huyện Phước Sơn cấp cho 4 xã Phước Thành, Phước Hiệp, Phước Hòa và thị trấn Khâm Đức 21 con con heo đen bản địa.
Đến thời điểm hiện tại, số heo tại các xã đang phát triển khá tốt. Trước thành công ban đầu, năm nay, huyện Phước Sơn tiếp tục cấp kinh phí để phục tráng giống heo đen giai đoạn 2 theo quy mô lớn hơn. Đến nay, đàn heo đen tại gia đình ông Lương bà Sen có gần 100 con và huyện Phước Sơn đang chuẩn bị cấp tiếp cho 8 xã còn lại để nhân rộng mô hình.
Chỉ với mức kinh phí toàn bộ đề tài hơn 100 triệu đồng cho cả 2 giai đoạn, mô hình phục tráng giống heo đen bản địa được coi là thành công và là hướng mở trong ngành chăn nuôi ở huyện miền núi Phước Sơn.