Cứu nguy Ông Nguyễn Định, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh Quảng Nam cho biết, khoảng cuối năm 1998 trở về trước, do thiếu đa dạng nguồn gen cây lúa mà đồng ruộng tỉnh này bị mất cân bằng sinh thái. Không chỉ vậy, thời điểm đó, nguồn giống chính thống cung ứng cho nhu cầu sản xuất của bà con chỉ đáp ứng được 20%, còn lại chủ yếu nông dân lấy lúa vụ này làm giống cho vụ sau nên đã tạo điều kiện cho một số loại sâu bệnh nguy hiểm phát sinh và gây hại liên tục trên diện rộng. Để giúp Quảng Nam nhanh chóng trút bỏ gánh lo khâu giống, đặc biệt là nâng cao kiến thức về giống và kỹ năng bảo tồn, phát triển đa dạng nguồn gen cây lúa cho nông dân, từ năm 2000 đến nay, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Cục BVTV (Bộ Nông nghiệp và PTNT), Chi cục BVTV tỉnh đã triển khai thực hiện sâu rộng dự án Bucap trên địa bàn 21 xã, thị trấn của 10 huyện, thành phố, gồm: Núi Thành, Tam Kỳ, Phú Ninh, Tiên Phước, Thăng Bình, Quế Sơn, Duy Xuyên, Bắc Trà My, Hiệp Đức, Điện Bàn với sự tham gia của gần 1.000 hộ dân. Ông Định cho biết, dự án Bucap chủ yếu tập trung so sánh, phục tráng, lai tạo giống và chọn dòng phân ly. Hơn 9 năm qua, dự án này đã mang lại hiệu quả thiết thực. Bên cạnh việc phục tráng nhiều giống lúa đã bị thoái hóa, bà con còn chọn dòng phân ly và lai tạo thành công hàng chục giống lúa mới có khả năng kháng được nhiều loại sâu bệnh nguy hiểm, cho năng suất cao và chất lượng gạo tốt. Ngoài ra, còn tiến hành so sánh, đánh giá nhiều loại giống mới trên từng chân đất khác nhau nhằm tìm ra giống phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu từng vùng để đưa vào sản xuất trên quy mô lớn. Điểm sáng Quế Châu (huyện Quế Sơn) là xã thuộc vùng trung du, toàn bộ 310ha đất trồng lúa của địa phương đều nghèo dinh dưỡng, nhiễm phèn nặng. Do một số loại giống thường xuyên sản xuất đại trà (X21, Xi23) đã bị lẫn tạp, thoái hoá, nông dân lại có tập quán sạ dày và lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu... nên vụ nào năng suất lúa cũng thấp, mỗi sào chỉ chừng 200kg khô (1 sào Trung Bộ = 500m2). Vụ đông xuân 2007-2008, Chi cục BVTV Quảng Nam phối hợp cùng ngành nông nghiệp huyện Quế Sơn và Hội Phụ nữ xã Quế Châu tổ chức khoá huấn luyện cho 30 nông dân để triển khai thực hiện thí điểm chương trình Bucap trên tổng diện tích 4 sào đất pha cát. Theo đó, học viên được hướng dẫn thực hành nghiên cứu đồng ruộng. Qua 3 vụ sản xuất, ngoài việc chú trọng vấn đề chọn dòng phân ly và so sánh giống, những hộ dân tham gia dự án đã phục tráng và lai tạo được 21.000kg giống lúa chất lượng, gồm: QX3, QX10, NP12, X21, Xi23 để đảm bảo phục vụ việc gieo trồng cho gia đình và cung ứng cho thị trường tại chỗ. Đây là những giống lúa phù hợp trên chân ruộng nhiễm phèn, pha cát, nghèo dinh dưỡng, ít bị sâu bệnh gây hại và cho năng suất cao. Trước đây, với 7 sào ruộng, vụ nào vợ chồng ông Nguyễn Lân ở thôn 3, xã Quế Châu cũng vất vả để lo đủ nguồn lương thực ăn quanh năm. Nhưng do nguồn giống không đảm bảo nên năng suất lúa rất thấp. Từ khi được chuyển giao kỹ thuật Bucap, ruộng lúa của ông Lân đã cho năng suất cao hơn nhiều. Ông bảo, vụ đông xuân 2008-2009, vợ chồng ông cấy 4 sào lúa giống QX10 và NP12 theo chương trình Bucap. Sản lượng đạt 1.280kg khô (bình quân năng suất 320kg/sào, tăng 100kg/sào so với thời điểm chưa triển khai dự án). Ông Lân cho biết thêm, không chỉ năng suất tăng mà chi phí đầu tư cho khâu giống và phân bón cũng giảm hơn 35%. Không chỉ Quế Châu, sau nhiều vụ mùa thành công vang dội nhờ những cán bộ kỹ thuật của Chi cục BVTV Quảng Nam “cầm tay chỉ việc”, 5 năm qua, ngoài việc phục tráng thành công giống Xi23 và Khang dân 18, mỗi vụ Câu lạc bộ Bucap xã Quế Xuân 1 còn sản xuất và cung ứng cho bà con nông dân trong vùng hàng chục tấn giống lúa chất lượng cao với giá thành hợp lý. Nhờ hướng đi ấy, những thành viên trong câu lạc bộ đã có cuộc sống đủ đầy hơn. Tại huyện Bắc Trà My, Chi cục BVTV tỉnh cũng tổ chức hướng dẫn kỹ thuật cho 30 hộ dân ở xã Trà Sơn để triển khai thực hiện chương trình này. Theo ông Nguyễn Nhuần, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, qua nghiên cứu thực tế và sản xuất khảo nghiệm trên đồng ruộng, đã chọn ra 4 giống lúa triển vọng, gồm: OM2717, TK1, QX10, QX23. Về phục tráng, đã chọn được 300 bông lúa (giống Xi23) để tiếp tục theo dõi, so sánh trong những vụ sau nhằm tạo ra nguồn giống nguyên chủng, phục vụ sản xuất đại trà. Không chỉ vậy, cơ quan chuyên môn cũng chọn được 9 dòng phân ly, lai tạo được 60 hạt giống lai (của cặp OM2717 và X21) để làm vật liệu cho quá trình chọn dòng trong những vụ kế tiếp... Hiệu quả mà Bucap mang lại cho nông dân Quảng Nam là rất thiết thực. Chính vì thế, các ngành liên quan và chính quyền các địa phương cần đặc biệt quan tâm để nhân rộng chương trình này. |