Nuôi dế, nuôi trùn quế đem lại thu nhập khá đã không còn là chuyện lạ (Báo Quảng Nam đã từng phản ánh), nhưng từ những hình thức chăn nuôi và trồng trọt riêng lẻ, hướng đến một mô hình kết hợp sản xuất nông nghiệp và phục vụ du lịch là ý tưởng cần tham khảo.
Từ trung tuần tháng 4 đến thượng tuần tháng 8 này, gia đình ông Phan Công Phước (Cẩm Kim, Hội An, tỉnh Quảng Nam) đã xuất được 80 thùng dế than bán được 20 kg dế, giá 250.000 đồng/kg, bình quân mỗi tháng gia đình ông thu được gần 1,5 triệu đồng. Chuyện là, qua báo đài, ông Phước biết có nhiều gia đình làm giàu nhờ nuôi dế, nuôi trùn... Thế là tận dụng thời gian rỗi, ông đi tham quan và tìm hiểu cách thức chăn nuôi ở những hộ này rồi mua giống về nuôi thử. Đến nay, gia đình ông Phước đã xây dựng được một dãy chuồng trại nuôi dế khoảng 100m2 và đang đầu tư mở rộng thêm nhiều chuồng khác. Về việc nuôi dế than, ông Phước cho biết: “Thức ăn cho dế không phải đầu tư nhiều, có thể tận dụng rau, cỏ tự trồng; nếu phải mua thì chỉ là mua cám, thức ăn chung với đàn gà. Cho ăn, chăm sóc và vệ sinh cho chúng có thể tốn nhiều công sức sau này khi mở rộng quy mô cho cả đàn dế, đàn gà, nuôi ếch, nuôi cá nhưng đó là sự đầu tư thích đáng”. Trong hơn 3 tháng, chỉ từ 2 hộp giống mua được, không chỉ bán được 20kg dế, với hướng đi thử nghiệm là chính, ông Phước cũng đã dành ra được 15 thùng dế giống với gần 1.000 con. Số giống này sẽ cho ông 150 thùng dế con và như vậy chỉ 40 ngày, ông Phước cũng xuất thêm gần 50kg dế, thu hơn 12 triệu đồng.
Ông Phước cũng đã đi thăm trang trại nuôi ếch của ông Quang ở Điện Hòa (Điện Bàn). Thấy hay, ông Phước mua 600 ếch giống về nuôi thử nghiệm. Trong vòng hơn 2 tháng, gia đình ông cũng đã xuất được 60kg thu hơn 2 triệu đồng. Ông Phước cho biết thêm: “Lợi nhuận từ việc nuôi ếch có thể nói là không nhỏ. Mỗi ngày 2 lần vệ sinh khi ếch còn nhỏ, lớn lên chỉ cần 1 lần; thức ăn thì cũng tận dụng rau, cỏ trong vườn và cám cho ăn cùng đàn gà… Cái được nữa là mình tận dụng được thời gian rỗi. Tôi cũng đã mất nhiều công sức để tham khảo kỹ thuật nuôi và phòng chống dịch bệnh từ nhiều nguồn, sách, báo, và trực tiếp từ các trang trại lớn. Thử nghiệm đã được rồi, bây giờ phải đầu tư nhiều để nhân rộng thôi”.
Trong cơ sở vườn - ao - chuồng của mình, ông Phước còn nuôi nhiều trùn quế, gà, cá cảnh, trồng mận, ổi… cho thu nhập khá. Thông qua tìm hiểu, thử nghiệm, nuôi và nhân giống, ông Phước đi tới quyết định mở rộng cơ sở nuôi trồng của mình. “Mở rộng mô hình nuôi trồng, vừa tăng diện tích, tăng giống, tăng đầu tư là để cung ứng sản phẩm nhiều hơn. Hội An có nhiều nhà hàng, khách sạn, thị trường cần rất nhiều, đầu ra đảm bảo. Mặt khác, tôi sẽ đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt theo hướng phục vụ du lịch. Loại hình du lịch sinh thái làng quê, phục vụ tại chỗ, du khách không phải tốn nhiều chi phí, đang là hướng mở hấp dẫn...” - ông Phước nói.
Từ mô hình vườn - ao - chuồng, tiếp tục đầu tư xây dựng trang trại gắn với phục vụ du lịch sinh thái, là một ý tưởng không tồi.