00:00 Số lượt truy cập: 3234082

Quảng Ngãi: Đắng cay chuyện nuôi tôm vùng lũ 

Được đăng : 03/11/2016
Chưa năm nào người nuôi tôm ở Quảng Ngãi lại chịu cảnh “thất bát” nhiều như năm nay. Những đồng tôm họ cố gắng gầy dựng bằng bao mồ hôi, công sức và tiền bạc, giờ đây bão lũ đã lấy đi tất cả. Chuyện khôi phục lại nghề nuôi tôm hiện giờ đối với họ còn khó hơn “lên trời”, khi nợ ngân hàng và tiền mua thức ăn cho tôm chất chồng như núi…

 * “Trắng tay” với tôm chân trắng!

Trở lại vùng nuôi tôm xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) sau 1 tháng cơn bão số 9 càn qua, chúng tôi chứng kiến cảnh xác xơ, hoang tàn vẫn còn hiển hiện đây đó trên những cánh đồng tôm. Có 4 vùng nuôi tôm chính ở đây là Mỹ Điền, Quan Thánh, Gò Ốc và Phú Nghĩa đều bị thiệt hại nặng sau bão lũ. Nhiều hộ nuôi tôm mất trắng giờ ngồi thẩn thờ nhìn dòng sông Vực Hồng cuồn cuộn chảy mà tiếc của.

Ông Trần Văn Duyệt, một hộ nuôi tôm có thâm niên hơn 10 năm ở đây cho biết, bản thân ông từng chứng kiến nhiều vụ tôm “kẻ khóc, người cười”. Người “phất” lên cũng nhiều mà người nuôi bị thua lỗ cũng không ít. “Nhưng mấy năm trước tôm có xảy ra dịch bệnh thì trên đồng cũng còn vài hộ nuôi trúng. Nên người thất thu có thể mượn người nuôi tôm có lãi để đầu tư lại. Còn vụ tôm này thì ai cũng trắng tay thì biết mượn ở đâu” - ông Duyệt nói.

Tại vùng nuôi tôm xã Nghĩa Hòa, chúng tôi gặp ông Trần Tấn Biền, được ông cho hay: Gia đình ông có 5.000m2 hồ tôm. Những năm gần đây tôm nuôi thường xuyên xảy ra dịch bệnh nên thua lỗ nặng. Đến nay ông đã nợ ngân hàng, người thân lên đến cả trăm triệu đồng.

Vụ này tôm không bị dịch bệnh lớn nhanh, những tưởng sẽ bội thu. Ông Biền nhẩm tính, thu hoạch lên sẽ kiếm được 200 triệu đồng, trừ chi phí cũng lãi được 50 triệu đồng. Thế nhưng, bão đến quá bất ngờ, dòng nước lũ cuồn cuộn dâng cao ngập bờ, nên tôm nuôi trong hồ theo dòng nước bơi đi, thậm chí máy sục khí, chòi canh, gió cũng quật ngã chõng chơ trên đồng. Tiền của đầu tư cho tôm coi như đổ sông, đổ biển hết…

Hộ ông Biền chỉ là một trong hàng chục hộ nuôi tôm ở đây bị “trắng tay” với con tôm chân trắng sau bão số 9. Được biết, khai sinh ra chuyện nuôi tôm đầu tiên ở Nghĩa Hòa là HTXNN Đông Hoà, với diện tích khoảng 6ha, vào khoảng những năm 1990 trở về trước. Sau đó HTX này chuyển toàn bộ diện tích này lại cho bà con xã viên nuôi.

Qua một vài vụ nuôi đạït hiệu quả, nhiều hộ dân tiếp tục mở rộng diện tích nuôi. Đặc biệt là từ khi chuyển đối tượng nuôi từ tôm sú, sang tôm chân trắng thì nghề nuôi tôm ở đây phát triển mạnh mẽ. Đến nay, toàn xã có 82 ha diện tích nuôi tôm. Trong đợt bão vừa qua đã cuốn trôi hết khoảng hơn 200tấn tôm/40 ha sắp đến ngày thu hoạch, ước thiệt hại hơn 3 tỷ đồng. Ông Huỳnh Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hoà cho biết, theo thông lệ hàng năm đến ngày 15/8 (AL) là bà con thu hoạch tôm, nhưng bão đến trước vài ngày đã “hốt” đi hết.

* Gian nan nghề nuôi tôm vùng triều!

Rời Nghĩa Hòa, chúng tôi ngược ra thăm vùng nuôi tôm Đồng Đá Bia (Bình Chánh - Bình Sơn). Trong đợt lũ vừa qua, nước từ vùng Nước Mặn (Bình Nguyên) chảy xuống và Châu Tử, Mỹ Huệ (Bình Dương) chảy qua, gặp lúc triều cường dâng cao đã san bằng mặt hồ tôm ở khu vực nuôi tôm (vùng triều) Đồng Đá Bia, khiến hàng chục hộ nuôi tôm rơi vào cảnh lao đao.

Ông Nguyễn Văn Hưng - Chủ nhiệm Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Bình Chánh cho biết, khu vực nuôi tôm Đồng Đá Bia có tổng diện tích gần 25 ha, đến nay hầu như không còn hồ trống. Chưa năm nào vùng Đồng Đá Bia được mùa như năm nay. Nhưng vừa rồi cơn bão số 9 gây lụt lớn, khiến cho tôm nuôi theo nước lũ trôi ra sông, ra biển hết. Hậu quả nữa là đê vỡ, cống hư, hồ bị xói lở, tài sản trôi, nguồn hỗ trợ từ các cơ quan chức năng thì không có. Đến nay ai cũng ngán ngẫm chuyện nuôi tôm vùng triều nơi đây.

Hồ nuôi tôm lót bạt trên cát ở huyện Mộ Đức cũng bị thiệt hại nặng, do bão lũ làm hư hại hệ thống sục khí…

Sau cơn bão số 9, ra Đồng Đá Bia chứng kiến cảnh hoang tàn, đổ nát nơi đây ai cũng hãi hùng. Hơn hai mươi kho trại của dân nuôi tôm nay chỉ còn đúng 4 cái. Chị Út Huệ vừa mất hai tấn tôm, vừa sập nhà, trôi xe máy, ti vi, cùng nhiều đồ gia dụng. Ngoài ra còn có nhiều hộ dân khác cũng chung cảnh ngộ, trôi không biết bao nhiêu tấn tôm hơn hai tháng tuổi. Và để khôi phục lại mỗi hộ phải mất hàng chục triệu đồng chứ không phải ít...”.

Diện tích mỗi hồ nuôi tôm ở Đồng Đá Bia bình quân là 3.000m2, thả nuôi được khoảng ba mươi vạn giống tôm thẻ chân trắng, nếu thuận buồm xuôi gió sau ba tháng nuôi thu lãi khoảng 30 triệu đồng. Có con tôm dân Bình Chánh nhiều người bỏ nghề câu mực nuôi tôm đổi đời. Thế nhưng, nghề nuôi tôm vùng triều như… “đánh bạc với trời”.

Cơn bão số 9 vừa rồi có nhiều người tiếc của ráng trụ lại với hồ tôm, đến khi lũ đến chạy không kịp phải theo đường dây điện leo lên bám vào trính trại chờ nước rút. Có người nửa đêm phải bỏ mặc trại mạc, xe cộ, đồ đạc lại cho nước lũ cuốn trôi, tháo thân chạy về nhà, đến giờ nhắc lại vẫn còn thất sắc.

* Ngành chức năng giúp được gì?

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, cứ vào khoảng giữa tháng 9 hàng năm, ngành Nông nghiệp đã triển khai các biện pháp phòng ngừa thiệt hại nuôi trồng thủy sản trong mùa mưa bão. Trong đó chỉ đạo cụ thể đối với các hộ NTTS, phòng nông lâm thủy sản các huyện, trung tâm khuyến nông - khuyến ngư, chi cục thú y thực hiện nhiệm vụ phân công để tránh thiệt hại khi có bão lũ xảy ra.

Đặc biệt, với người nuôi cần theo dõi diễn biến thời tiết lũ trên các sông, kiểm tra tôm, cá nếu đạt kích cỡ thương phẩm phải thu hoạch ngay. Thế nhưng… văn bản chỉ đạo thì có, còn việc chấp hành chẳng mấy ai nghe, đến khi bão lũ đến thì trở tay không kịp.

Mặt khác, trong thời gian qua người nuôi tôm đã bất chấp lịch thời vụ khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Đây cũng là nguyên nhân cơ bản dẫn đến thiệt hại trong đợt bão lũ vừa qua, vì nếu nuôi đúng lịch khuyến cáo (tôm trên cát nuôi 2 vụ/năm, tôm vùng triều chỉ nên nuôi 1 vụ/năm và xen canh các đối tượng ngắn ngày khác) thì sẽ không bị tổn thất như vừa rồi. Đa phần số diện tích tôm chân trắng bị thiệt hại thuộc vùng triều, chủ yếu ở hai hai huyện Tư Nghĩa, Bình Sơn. Sau khi nuôi đạt vụ đầu, họ “thừa thắng thả lại”, nhưng gần đến ngày thu hoạch thì… mất trắng.

Một điều khó đối với người nuôi tôm nữa là hiện nay, trong “danh mục” hỗ trợ thiệt hại do thiên tai gây ra đối với ngành nông nghiệp chưa thấy “đả động” đến việc hỗ trợ cho nghề nuôi tôm! Nhưng cũng xin lưu ý rằng, nếu sau này có cơ chế hỗ trợ thiệt hại nuôi tôm thì cũng chỉ hỗ trợ cho các đối tượng tuân thủ đúng lịch thời vụ. Nên người nuôi tôm trong tỉnh cần hết sức cẩn trọng, cân nhắc trước khi quyết định thả nuôi tôm, để tránh thiệt hại.

Người dân Tịnh Kỳ (Sơn Tịnh) cải tạo ao hồ chuẩn bị thả nuôi vụ tôm mới.

* Theo thống kê, bão số 9 đã làm mất trắng 253 ha nuôi tôm; gần 33 ha cá nước ngọt; 1,5 ha và 5 lồng, bè nuôi cá nước lợ; sạt lở 32,500m3 đất; 45 máy bơm nước bị sóng đánh hư hỏng. Ước thiệt hại 31,75 tỷ đồng, trong đó nặng nhất là các huyện: Bình Sơn - mất trắng 47ha tôm, 6ha cá nước ngọt, vỡ bờ 30.000m3, thiệt hại 11,5 tỷ đồng; Sơn Tịnh (64ha tôm, 4ha cua, 2,5 ha cá nước lợ, nước ngọt, 5 lồng, bè cá nước lợ, thiệt hại 9 tỷ đồng); Tư Nghĩa (85ha tôm, 3 ha cá nước ngọt, thiệt hại 4,25 tỷ đồng) và hai huyện Mộ Đức, Đức Phổ mỗi huyện thiệt hại 3,5 tỷ đồng. (Số liệu của Phòng nuôi trồng thủy sản (Sở NN&PTNT Quảng Ngãi).

* Ông Võ Văn Kỷ - Trưởng phòng nuôi trồng thủy sản (Sở NN&PTNT Quảng Ngãi): Để ổn định lại sản xuất và giúp việc nuôi tôm đạt hiệu quả trong thời gian tới, chúng tôi khuyến cáo bà con nuôi tôm nên cải tạo kỹ ao hồ và để trống một thời gian trước khi thả nuôi vụ I/năm 2010. Do bà con bất chấp thời gian khuyến cáo lịch thời vụ, nên mới dẫn đến thiệt hại nặng trong đợt bão lũ vừa qua. Yêu cầu đặt ra hiện nay, trước tiên phải thực hiện nghiêm túc lịch thời vụ khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Nuôi 2 vụ/năm ăn chắc đối với vùng nuôi có lót bạt trên cát (bắt đầu cuối tháng giêng đến khoảng tháng 7, 8 âm lịch kết thúc vụ) và 1 vụ/năm đối với vùng triều, nhất là những vùng hay bị ô nhiễm (thời gian còn trống có thể xen một số loại đối tượng ngắn ngày khác), để trên cơ sở đó bà con chủ động về thời gian, con giống và đảm bảo yếu tố về khí hậu thời tiết, tránh bị thiệt hại do mưa bão.