Mỗi năm, diêm dân Sa Huỳnh chỉ làm muối trong 5 - 6 tháng mùa khô. Năm nào mùa mưa đến sớm, bà con phải đối mặt với nguy cơ mất mùa. Năm nay, Sa Huỳnh có hơn 100ha sản xuất muối, thu hút khoảng 900 hộ tham gia với gần 2.000 lao động. Nhưng năm nay muối thất mùa, sản lượng chỉ đạt 3.000 tấn, bằng 30% so với trung bình các năm trước. Mất mùa, được giá Chỉ tay về đồng muối thất, diêm dân Nguyễn Văn Hiệp ở thôn Tân Diêm (xã Phổ Thạnh) buồn bã: “Ruộng ít, gia đình tôi được chia 2,75 suất (3 sào Trung Bộ/suất) đồng muối nhưng làm quần quật mấy tháng trời cũng không đủ ăn. Năm được mùa thì đạt 7-8 tấn muối, nhưng thường rớt giá; còn năm nay giá muối tăng cao lại không có để bán”. Diêm dân Đinh Thị Lan ở thôn Long Thạnh (xã Phổ Thạnh) nói: “Mùa muối ở Sa Huỳnh thường kéo dài từ tháng 2 đến tháng 7 âm lịch. Trung bình cả vụ tôi thu được 100-150 bao (mỗi bao 60kg), nhưng năm nay do mưa thất thường nên sản lượng muối chỉ bằng 1/3 các năm trước”. Bà Đỗ Thị Hường ở thôn Long Thạnh cho biết, để có được hạt muối phải đổ biết bao mồ hôi, công sức. Nào là đắp bờ, ngăn ô, sau đó đầm đất thật chặt, bằng phẳng để sáng hôm sau dẫn nước vào ruộng. Nước vào ruộng rồi, phải liên tục dùng trang đẩy nước để đảm bảo ruộng không bị khô, nếu không hạt muối sẽ đen. Đến ngày thứ 3, khi muối kết tinh mới bắt đầu cào thu hoạch. Diêm dân Nguyễn Văn Hiệp ở thôn Tân Diêm (xã Phổ Thạnh - Là một trong những vựa muối lớn của cả nước nhưng muối Sa Huỳnh cũng không tránh khỏi vòng luẩn quẩn được mùa, rớt giá. Bên cạnh yếu tố khách quan như thời tiết, thị trường thì nguyên nhân chính phải kể đến là phương pháp canh tác của diêm dân còn lạc hậu, nhỏ lẻ. Hạn chế lớn nhất của ngành sản xuất muối nơi đây là phương pháp phơi nước. Diêm dân chỉ dàn ruộng muối bằng phẳng, dẫn nước biển vào, phơi nắng 3-5 ngày là có thể thu hoạch. Cách làm thủ công như vậy đã dẫn đến năng suất, chất lượng muối thấp, do đó tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Giải pháp nào? Năm 2007, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư mô hình kết tinh muối sạch trên nền xi măng chịu mặn tại đồng muối Sa Huỳnh nhằm đánh giá, xác định năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế của phương pháp này, làm cơ sở để sản xuất đại trà. Nền ô kết tinh được đổ bê -tông, sử dụng xi -măng chịu mặn. Tổng kinh phí đầu tư 45,7 triệu đồng; trong đó ngân sách hỗ trợ 32,7 triệu đồng. Diện tích thực hiện 600m2. Kết quả là năng suất ô kết tinh trong mô hình tăng 40% so với năng suất ô kết tinh đại trà trong cùng điều kiện. Năm 2008, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh tiếp tục triển khai mô hình kết tinh muối sạch trên nền xi-măng chịu mặn tại Sa Huỳnh trên diện tích 1.800m2, với 9 hộ tham gia. Kết quả cho thấy, năng suất ô kết tinh trong mô hình bình quân đạt 31,9kg/m2 (53, 17 tấn/ha), tăng 35% so với năng suất ô kết tinh đại trà. Nếu thời gian sản xuất đủ 4 tháng trong năm thì năng suất tại ô mô hình có thể đạt 106,34 tấn/ha. Tiếp tục thành công đó, năm 2009, đồng muối Sa Huỳnh được hỗ trợ xây dựng thêm 3.500m2 ô kết tinh sản xuất theo phương pháp mới. Ông Lê Văn Việt, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Ngãi khẳng định: “Qua 4 năm triển khai thực hiện mô hình, thấy hiệu quả kinh tế khá cao. Nền xi-măng sau 3 năm vẫn không bị hư hỏng. Nhưng với điều kiện kinh tế của bà con, việc bỏ vốn ra đầu tư ô kết tinh muối không dễ, do vậy rất cần sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước”. Ông Nguyễn Kỳ, Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh cho biết: “Để giúp diêm dân phát triển nghề muối, địa phương đang phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT tạo điều kiện cho bà con vay vốn xây dựng ô kết tinh trên nền xi-măng. Tuy nhiên, thủ tục vay ngân hàng rất phức tạp, mất nhiều thời gian. Trong khi cơ hội tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ vẫn hạn chế”. Hy vọng, với sự nỗ lực của chính quyền các cấp và bà con nơi đây, trong một thời gian không xa, hạt muối Sa Huỳnh sẽ không còn vị đắng. |