00:00 Số lượt truy cập: 3229496

Quảng Ngãi: Dịch bệnh hoành hành trên cây mì 

Được đăng : 03/11/2016
Vụ mì (sắn) 2009-2010 ở Quảng Ngãi đã bắt đầu với hơn 70% diện tích được trồng (11.000ha). Tuy nhiên, bà con vẫn đứng ngồi không yên vì dịch bệnh lạ hoành hành. Trong khi chờ các cơ quan chức năng tìm ra nguyên nhân, cách chữa trị, bà con buộc phải sống chung với dịch bệnh bởi chưa tìm ra cây trồng thay thế.

“Đánh bạc”... với trời

Còn nhớ năm 2008, căn bệnh lạ xuất hiện trên hầu hết diện tích mì ở Quảng Ngãi làm giảm 30-80% sản lượng, độ bột của củ, gây thiệt hại hàng chục tỉ đồng. Điều đáng lo ngại là đến nay các cơ quan chuyên môn vẫn chưa tìm ra giải pháp xử lý hiệu quả. Điều này đồng nghĩa với việc vụ mì sắp tới, thu nhập từ loại cây trồng này của nông dân tiếp tục sụt giảm.

Lão nông Lê Văn Thân ở thôn Bình Tân, xã Trà Bình (huyện Trà Bồng) thở dài: “Gia đình tôi có 10 sào đất trồng mì (1 sào Trung Bộ = 500m2). Mấy năm trước, mỗi vụ tôi thu được hơn 12 tạ/sào. Nhưng vừa rồi do mì bị bệnh nên chỉ còn khoảng 8 tạ/sào, còn bột giảm hơn 10 độ. Chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh để diệt trừ nên biết trồng thì “lành ít, dữ nhiều”, nhưng chúng tôi buộc phải chấp nhận vì không biết chuyển sang loại cây gì”.

Ông Đinh Văn Nguôn ở thôn Gò Ra, xã Sơn Thành (huyện Sơn Hà) buồn bã nói: “Ở đây, đất sản xuất cằn cỗi, còn nước tưới chủ yếu nhờ trời thì ngoài mì ra khó cây nào thích ứng được. Trong khi chờ các cơ quan chức năng tìm ra biện pháp chữa trị, vụ này tôi buộc phải “đánh bạc với trời””.

Theo nhận định của nhiều kĩ sư nông nghiệp, 10.000/15.000ha mì của tỉnh Quảng Ngãi đang đứng trước nguy cơ bị bệnh lạ tái phát.

Các cấp ngành vào cuộc

Để hạn chế phần nào thiệt hại cho nông dân, ông Lê Tuấn Toàn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phẩn Nông sản Thực phẩm Quảng Ngãi, đơn vị chủ quản các nhà máy chế biến mì bày tỏ: “Chúng tôi đã tính đến phương án cho các nhà máy chế biến hoạt động sớm hơn khoảng 2 tháng so với bình thường. Với công suất chế biến hiện nay của 2 cơ sở là Nhà máy Mì Tịnh Phong (700 tấn/ngày) và Nhà máy Mì Sơn Hải (400 tấn/ngày), việc thu mua mì cho người dân trong thời gian ngắn là rất khó. Đó là chưa nói đến phương tiện chuyên chở, nhân công thu hoạch, ảnh hưởng của thời tiết... Tuy nhiên trong khả năng của mình, Công ty sẽ cố gắng hết sức trợ giúp bà con”.

Về phía cơ quan chuyên môn, ông Phạm Bá, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: “Việc xác định cụ thể, chính xác nguyên nhân gây bệnh cần phải có thời gian, không thể trong một sớm một chiều. Trước mắt, chúng tôi cử cán bộ chuyên môn tăng cường theo dõi để có thể đưa ra giải pháp ngăn chặn, hạn chế phần nào thiệt hại cho người trồng mì”. Chi cục cũng khuyến cáo người dân nên thu hoạch mì sớm hơn 1-2 tháng nhằm tránh thời gian dịch bệnh bùng phát mạnh. Phối hợp với Công ty cổ phần Nông sản Thực phẩm Quảng Ngãi xây dựng các mô hình trình diễn; xử lý đất trồng; hom giống trong bằng hoá chất trước khi trồng; không sử dụng hom giống vùng bị dịch bệnh...

Tuy nhiên, các giải pháp trên đến vụ trồng năm 2011 mới có thể triển khai, bởi thời điểm này, diện tích mì người dân đã trồng chiếm hơn 70% tổng diện tích mì toàn tỉnh, với khoảng 11.000ha. Vì vậy, bà con chỉ biết trông chờ vào may rủi và lo lắng cho ruộng mì của mình. Xem ra, nỗi lo mùa màng này thất bát vẫn là chuyện muôn thuở của nhà nông.