Quảng Ngãi: Hiệu quả từ mô hình nuôi gà thịt an toàn
Được đăng : 03/11/2016
Sau một thời gian bị dịch bệnh kéo dài đã làm cho đàn gia cầm giảm mạnh, đẩy không ít hộ lâm vào cảnh khốn đốn thì sự thành công của mô hình nuôi gà thịt an toàn sinh học theo hướng tập trung thành trang trại ở huyện Sơn Tịnh đã và đang mở ra một hướng đi mới cho người chăn nuôi trong tỉnh.
Vào cuối tháng 8/2006, từ sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, mô hình nuôi gà thịt an toàn sinh học theo phương thức tập trung, với số lượng là 2.500 con giống gà Lương phượng được Trạm Khuyến nông Sơn Tịnh triển khai ở 2 địa điểm. Trong đó tại trang trại của ông Nguyễn Xuân Đôn ở xã Tịnh Hoà là 500 con, trang trại ông Nguyễn Nghị ở xã Tịnh Sơn là 2.000 con. Có 5 hộ tham gia mô hình này, với tổng số vốn đầu tư khoảng 64 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 18 triệu đồng để mua con giống, thức ăn...số còn lại do các hộ tham gia đóng góp. Để mô hình đạt kết quả, trước khi dự án được triển khai, Trạm Khuyến nông huyện đã mở lớp tập huấn kỹ thuật, cách làm chuồng trại, chăm sóc nuôi dưỡng gà thịt an toàn sinh học, cách phòng chống một số bệnh thông thường. Trong quá trình nuôi, trạm còn cử cán bộ thường xuyên theo dõi, kiểm tra để hỗ trợ người nuôi, tổ chức tiêm phòng bệnh cúm... nhờ đó mà đàn gà đã phát triển tốt, tỷ lệ chết được hạn chế đến mức tối đa.
Qua hơn 2 tháng triển khai, trọng lượng gà đạt bình quân từ 1,4-2 kg/con. Trong đó ở trang trại xã Tịnh Sơn, trọng lượng gà nuôi đạt bình quân gần 2 kg/ con. Với giá bán 25.000 đồng/ kg, đã thu được 85,5 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, còn lãi gần 34 triệu đồng. Còn tại trang trại ở xã Tịnh Hoà, trọng lượng gà tuy thấp hơn, nhưng vẫn đạt bình quân khoảng 1,5kg/ con, với tổng số tiền bán gà tại trang trại này gần 17 triệu đồng. Trừ các khoản chi phí còn lãi trên 4 triệu đồng. Ông Nguyễn Phước Cảm, một trong những hộ tham gia nuôi ở trang trại của ông Nguyễn Nghị, hồ hởi: Từ số lợi nhuận mang về trong đợt nuôi thí điểm vừa rồi, 4 người chúng tôi đã quyết định hùn vốn để mua khoảng 1.000 con giống nuôi tiếp. Còn bác Lê Văn Tâm, nông dân ở Tịnh Ấn Tây, sau khi tham quan mô hình đã tâm đắc: Đối với không ít người, nhất là vùng nông thôn dù có nhiều điều kiện thuận lợi để nuôi gà như diện tích vườn nhà rộng, nguồn thức ăn sẵn có khá dồi dào. Thế nhưng việc nuôi gà chưa được chú trọng, nếu có thì đó chẳng qua thả vài ba con để kiếm trứng, thịt cải thiện cho bữa ăn. Vì thế chưa có sự chú trọng đúng mức, nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Với mô hình trên có thể giúp cho một số người có cái nhìn khác trong việc phát triển vật nuôi này.
Có thể khẳng định mô hình nuôi gà thịt an toàn sinh học theo hướng tập trung thành trang trại đã triển khai trong thời gian vừa qua ở Sơn Tịnh bước đầu mang lại hiệu quả đáng kể, góp phần vào việc khôi phục đàn gia cầm bị giảm mạnh do dịch bệnh, hạn chế kiểu nuôi nhỏ lẻ, thả rông truyền thống. Mô hình còn góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương.